Nông dân ở đây có 2 phương thức làm lúa là sạ thẳng và sạ mạ. 

Anh Điểu Mai có 8 sào lúa ở cánh đồng ấp Tổng Cui Lớn, xã Phước An cho biết: “Tôi gieo sạ giống lúa truyền thống có thời gian sinh trưởng và phát triển trong 6 tháng. Theo kinh nghiệm gia đình, tôi sạ mạ, sau đó khoảng 1 tháng 15 ngày cấy lúa xuống ruộng và rút nước. Lúc này cây lúa đã lớn nên hạn chế được ốc bươu vàng, vì sinh vật gây hại này chủ yếu cắn phá vào giai đoạn mạ”.

Còn gia đình ông Điểu Thách có 4 sào lúa trên cánh đồng ấp Tổng Cui Lớn lại thực hiện sạ thẳng. Ông Thách cho biết: “Tôi trộn luôn thuốc trị ốc bươu vàng vào hạt giống rồi sạ thẳng xuống ruộng”. Ngoài ra, vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa chịu thay đổi tập quán canh tác, làm lúa không chú trọng năng suất mà phó mặc cho “ông trời”. Đã có trên 30 năm làm lúa, song ông Điểu Thách vẫn xuề xòa: “Bị ốc bươu vàng như vậy, mình trộn thuốc vào hạt giống khi sạ, nhưng năng suất lúa vẫn giảm khoảng 50%. Thôi kệ, ốc ăn hết thì thôi, còn lại nhiêu mình ăn!”.

Trước tình hình đó, Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật huyện Hớn Quản đã có văn bản gửi UBND các xã ngày 6-7-2017, dự báo trong thời gian tới, ốc bươu vàng tiếp tục sinh sản mạnh, lây lan nhanh và gây hại trên diện rộng. Để hạn chế thực trạng này, trạm đề nghị UBND các xã tập trung tuyên truyền để các hộ nông dân thu gom tiêu hủy, phun thuốc phòng trừ nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do ốc bươu vàng gây ra. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ phụ trách nông nghiệp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phối hợp các ngành, đoàn thể ở cơ sở phát động thu gom, tiêu hủy ốc bươu vàng trước và sau khi gieo sạ; hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp thủ công lẫn hóa học để phòng trừ.

Theo đó, trước khi gieo sạ phải làm đất bằng phẳng, tránh chỗ trũng nước, bắt ốc và ổ trứng vào sáng sớm; đánh rãnh sâu quanh ruộng để tập trung thu gom hoặc xử lý thuốc thuận tiện hơn; sử dụng lưới chắn ở các rãnh nước chảy vào ruộng để ngăn ốc xâm nhập và bắt ốc trưởng thành. Sau khi gieo sạ nông dân cần cắm các cọc tre, sậy ở những chỗ ngập nước, mương nước để thu hút ốc đẻ trứng rồi thu gom dễ dàng hơn. Đối với diện tích lúa có mật độ ốc cao, khả năng lây lan, phát sinh trên diện rộng, nông dân nên sử dụng một số loại thuốc hóa học có hoạt chất metaldehyde như: Bolis 6B, Pilot 19AB, Octigi 6GR...

Theo báo Bình Phước