Vi-rút TiLV phát hiện lần đầu tiên trên cá rô phi nuôi tại tỉnh Tiền Giang vào tháng 7/2017 do một cán bộ đang làm đề tài tốt nghiệp thạc sỹ tại Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh gửi mẫu sang Trung tâm sinh học phân tử và Công nghệ sinh học tôm thuộc Trường Đại học Mahidol, Thái Lan để phân tích, so sánh kết quả.

Khi có kết quả phát hiện trong các mẫu cá rô phi được lấy tại tỉnh Tiền Giang có TiLV từ Trung tâm sinh học phân tử và Công nghệ sinh học tôm, Thái Lan gửi về Việt Nam, Cục Thú y đã chủ động đề nghị tổ chức FAO hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí mua nguyên vật liệu chẩn đoán xét nghiệm, hỗ trợ mời chuyên gia quốc tế sang Việt Nam để tổ chức tập huấn cho các cán bộ thuộc Cục Thú y và một số tỉnh trọng điểm về nuôi cá rô phi (Hải Phòng, Quảng Ninh). Ngày 13/9/2917, Cục Thú y đã ban hành TCCS 05:2017/TY-TS về Quy trình xét nghiệm phát hiện TiLV theo Quyết định số 529/QĐ-TY-TS; Ngày 03/10/2017, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với FAO tổ chức Hội nghị bàn giải pháp phòng, chống bệnh mới do TiLV trên cá rô phi; Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Cục Thú y chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Trung ương và địa phương tổ chức điều tra xác minh tình hình dịch bệnh, chủ động lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV trên cá rô phi giống và cá rô phi nuôi thương phẩm.

Theo báo cáo của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương tại Hội nghị phòng, chống bệnh mới do Tilapia Lake Virus trên cá rô phi ngày 03/10/2017, qua chương trình giám sát thu mẫu cá rô phi để xét nghiệm vi rút TiLV, TiLV đã lưu hành ở một số tỉnh phía Bắc gồm: Hải Phòng, Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, nhiễm ở cá rô phi thương phẩm và cá rô phi giống.

Tại tỉnh Bắc Ninh, ngày 10 tháng 10 năm 2017 Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh tiến hành lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV trên cá rô phi giống và rô phi thương phẩm của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh. Căn cứ phiếu 1070/CĐ-XN ngày 17/10/2017 trả lời kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy: 05/11 mẫu dương tính với TiLV.

Bệnh do TiLV trên cá rô phi có thể lây lan qua việc vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác; cá rô phi nhiễm bệnh có tỷ lệ chết từ 20 - 90% chủ yếu ở giai đoạn nhỏ từ 01- 03 tháng tuổi. Bệnh có thể lây lan giữa các cá thể trong ao nuôi, đặc biệt là qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống mang mầm bệnh từ nước này sang nước khác. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, kích cỡ và đặc biệt nghiêm trọng ở cá rô phi giống.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ năm 2015 đến nay có một số cơ quan nghiên cứu, trung tâm giống thủy sản, doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu cá rô phi từ các nước I-xra-en, Trung Quốc, Phi-lip-pin, Vương quốc Anh, Thái Lan, Đài Loan về làm giống hoặc thực phẩm. Trong khi đó, bệnh do TiLV là bệnh mới, hiện chưa có trong danh sách các bệnh phải công bố dịch theo quy định của OIE và pháp luật hiện hành của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản (ban hành kèm theo Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ NN-PTNT) quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, chưa có quy định phải kiểm dịch đối với tác nhân gây bệnh này. Ngoài ra, tình hình nhập khẩu bất hợp pháp cá rô phi giống từ các nước láng giềng vào Việt Nam còn phổ biến, chưa được kiểm soát triệt để; việc buôn bán, vận chuyển cá rô phi giống từ tỉnh này sang tỉnh khác không qua kiểm dịch cũng rất phổ biến. Do đó, nguy cơ TiLV xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua đường nhập khẩu cá rô phi giống là rất cao.

Để chủ động ứng phó nguy cơ dịch bệnh do TiLV bùng phát, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất, nuôi cá rô phi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, ngày 20/10/2017, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Vũ Văn Tám đã ký Công văn số 8862/BNN-TY gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nuôi cá rô phi chỉ đạo áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh mới do TiLV gây ra trên cá rô phi:

1. Tăng cường chỉ đạo kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vận chuyển, nhập khẩu cá rô phi giống bất hợp pháp từ nước ngoài vào Việt Nam, từ tỉnh này sang tỉnh khác không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

2. Tăng cường kiểm tra tình hình sản xuất, lấy mẫu giám sát phát hiện TiLV ở cơ sở sản xuất cá rô phi giống.

3. Tăng cường thông tin tuyên truyền đến người nuôi về dịch bệnh mới nguy hiểm này để có biện pháp chủ động phòng chống bằng cách tăng cường các biện pháp an toàn sinh học để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người từ bên ngoài vào cơ sở (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng). Chỉ mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền.

4. Tăng cường các biện pháp quản lý, chăm sóc, nuôi đúng quy trình hướng dẫn của cơ quan quản lý thủy sản, đặc biệt lưu ý ở các giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển nắng nóng phù hợp cho dịch bệnh phát triển.

5. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh được quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản. Trong đó, đặc biệt chú ý tăng cường chế độ giám sát, phát hiện sớm hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường; nếu phát hiện phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

6. Xây dựng, bố trí kinh phí để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản chủ động nói chung và trên cá rô phi nói riêng trên địa bàn theo Công văn số 8468/BNN-TY ngày 09/10/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí phòng, chống dịch bệnh thủy sản, triển khai Kế hoạch giám sát dịch bệnh Quốc gia năm 2018.

7. Chỉ đạo trung tâm khuyến nông tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về sản xuất, nuôi cá rô phi an toàn: thả mật độ thưa, sử dụng quạt nước trong những ngày nắng nóng, sử dụng thuốc đúng, đủ theo hướng dẫn, có trách nhiệm.

  

Theo thống kê năm 2015, tổng sản lượng cá rô phi các vùng trên cả nước là 187.800 tấn, diện tích đạt 25.748 ha và 1,21 triệu m3 lồng nuôi, giá trị ước 4.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 3% giá trị nuôi trồng thủy sản. Tiêu thụ cá rô phi tại thị trường nội địa phát triển với khoảng 160.000 tấn. Xuất khẩu cá rô phi hơn 27,5 triệu USD với hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo kế hoạch đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, cá rô phi là đối tượng nuôi chủ lực sau tôm nước mặn lợ và cá tra, trong đó tập trung phát triển sản xuất 3 loài cá rô phi bao gồm cá rô phi vằn, cá rô phi lai khác loài giữa rô phi vằn và rô phi xanh, cá rô phi đỏ. Mục tiêu quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung: đầu tư mới, nâng cấp và mở rộng quy mô, năng lực các cơ sở sản xuất giống ở Bắc Ninh, Bắc Giang Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Bình và Thanh Hóa để cung cấp cho nhu cầu nuôi thương phẩm trong vùng và các địa phương khác ở miền Bắc. 

  

NTM