Do không có thuốc đặc trị, nên cách dập dịch duy nhất đến thời điểm này là tiêu hủy cây mì bị bệnh.

Thời gian qua, có một số cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh tung tin bệnh khảm lá có thuốc điều trị. Đây là một thông tin hoàn toàn sai sự thật.

Ông Trần Văn Chiến- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá cây mì của tỉnh đề nghị các địa phương cần phải tuyên truyền đến các chủ cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn hiểu rõ điều này và hợp tác cùng chống dịch. Nếu phát hiện cửa hàng nào tung tin thất thiệt sẽ phải xử lý theo quy định của pháp luật.

Ông Chiến cũng yêu cầu Sở NN&PTNT soạn thảo một tài liệu tuyên truyền mới cung cấp cho người dân hiểu rõ hơn tác hại của dịch bệnh, để người dân đồng tình hợp tác tiêu huỷ mì bị nhiễm bệnh khảm lá.

Tại buổi họp, Ban chỉ đạo của tỉnh cũng đã giao Sở Tài chính xem xét đến việc hỗ trợ chi phí tiêu hủy cây mì bị nhiễm bệnh khảm lá đối với diện tích có tỷ lệ nhiễm dưới 30% (trước đây chỉ hỗ trợ đối với diện tích nhiễm từ 30% trở lên).

Tính đến ngày 14/8/2017, toàn tỉnh có trên 5.500 ha mì bị nhiễm bệnh. So với thời điểm công bố dịch, diện tích mì nhiễm bệnh đã tăng lên hơn 3 lần.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, diện tích mì bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy vẫn còn thấp, chỉ mới đạt 10,5% so với diện tích nhiễm bệnh của toàn tỉnh. Trong đó, Tân Biên tiêu hủy được 41%, riêng Tân Châu và Châu Thành tỷ lệ tiêu hủy dưới 7%.

Khảo sát củ của cây mì bị nhiễm bệnh

Về tình hình bệnh khảm lá cây mì phát sinh trong thời gian tới, Sở NN&PTNT nhận định, các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành có nguy cơ tiếp tục tăng nhiều diện tích nhiễm bệnh.

Nguyên nhân là do đây là 3 huyện có diện tích trồng mì lớn, tập trung và trồng giống mì bị nhiễm bệnh nặng (HLS 11, KM 419) nhiều; chưa hoàn thành công tác phun thuốc diệt trừ bọ phấn trắng mang mầm bệnh trên ruộng nhiễm; nhiều diện tích mì nhiễm bệnh chưa được hủy kịp thời theo quy định.

Tại huyện Dương Minh Châu cũng đã phát hiện 11,5ha mì bị nhiễm bệnh ở xã Suối Đá, có khả năng sẽ tăng diện tích nhiễm, do giống KM 419 chiếm tới 25%.

Theo báo Tây Ninh