Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đây là loài sâu có tính chất nguy hiểm vì chủ yếu ăn búp nõn của cây ngô và lây lan nhanh. Do khi mới phát hiện, người dân không xác định được loài sâu nên phun thuốc không đúng cách, không đúng loại dẫn đến tình trạng sâu phát triển và lây lan trên diện rộng. Khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất khỏe. Qua đánh giá, phân tích, thường trên mỗi đọt ngô chỉ phát hiện 1 cá thể sâu trưởng thành, chúng có thể ăn nát hết phần ngọn ngô trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Một đặc điểm nổi bật là chúng thường phản ứng giả chết và cuộn tròn khi đụng vào. Màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh, có thể hơi xanh, nâu, xám hoặc pha trộn xám và đen. Loài sâu này gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo.

Sâu keo mùa thu gây hại trên búp nõn của cây ngô

Hiện tại, các cơ quan chuyên môn của Điện Biên đã thử nghiệm việc pha trộn 2 loại thuốc bảo vệ thực vật Emamectin benzoat và Nereistoxin theo tỷ lệ Emamectin benzoat 4 - 6g và Nereistoxin 20g/bình 16 lít. Kết quả cho thấy, hỗn hợp này có hiệu quả cao đối với sâu keo mùa thu. Đồng thời cũng khuyến cáo người dân tập trung phun thuốc vào chiều mát và phun trực tiếp vào nõn ngô để đạt hiệu quả cao nhất.

Anh Vàng A Dơ, xã Sính Phình - huyện Tủa Chùa chia sẻ: Gia đình anh trồng hơn 3ha ngô hiện ở giai đoạn 6-7 lá, trong đó khoảng 1/3 diện tích bị ảnh hưởng bởi sâu hại. Những ngày đầu do sử dụng không đúng loại thuốc nên khi phun sâu không chết và tiếp tục lan sang diện tích bên cạnh. Cách đây 3 ngày, gia đình anh đã phun thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chức năng nên sâu chết rất nhiều. Một số cây ngô bị sâu ăn lá đang có dấu hiệu phục hồi và hiện tượng sâu hại không lây lan.

Ông Bùi Ngọc Sơn - Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, cho biết: Sau khi người dân phun thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, cơ bản khống chế được sự phát triển, lây lan của sâu keo mùa thu sang diện tích ngô ở khu vực lân cận. Tuy nhiên khả năng phục hồi của diện tích đã bị sâu gây hại thì chưa có đánh giá chính xác. Tuy vậy, ông Sơn cũng cho biết, những cây ngô chưa bị sâu tấn công vào phần búp nõn thì hoàn toàn có thể phục hồi và phát triển. Còn đối với những cây đã bị sâu ăn phần búp thì tỷ lệ phục hồi thấp và chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất.

Để đảm bảo cho người dân kịp thời khống chế sâu bệnh, hạn chế tối đa tình trạng lây lan, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên đã yêu cầu Trạm Bảo vệ thực vật các huyện, thị xã và các cơ sở cung ứng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo đủ cơ số thuốc có hoạt chất Emamectin benzoat và Nereistoxin để phục vụ người dân phòng trừ sâu hiệu quả. Đồng thời áp dụng các biện pháp canh tác như luân canh ngô- lúa nước ngay sau vụ ngô để diệt nhộng trong đất; sử dụng tro bếp hoặc nước xà phòng loãng đổ vào nõn ngô diệt sâu non; sử dụng chế phẩm nấm xanh, nấm trắng, vi khuẩn Bt, virut NPV để phun trừ khi sâu tuổi nhỏ; sử dụng bẫy dính màu vàng có pheromone giới tính, bẫy bả chua ngọt hoặc bẫy đèn để diệt trưởng thành.

Hoàng Khắc Tân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Điện Biên