Qua kiểm tra thực tế đã phát hiện tại xã Ia Le có khoảng 4,6 ha mỳ của 3 hộ dân bị bệnh khảm lá vi rút gây hại cục bộ với tỷ lệ bệnh trên 90%. Nguyên nhân xuất hiện bệnh khảm lá vi rút là do người dân mở rộng diện tích trồng mỳ nhưng thiếu giống nên mua từ các xe tải bán giống mỳ trôi nổi dọc quốc lộ 14 có xuất xứ từ Tây Ninh. Cũng tại xã Ia Le còn xuất hiện 0,5 ha mỳ bị bệnh chổi rồng, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND xã động viên các gia đình nhổ bỏ và tiêu hủy chuyển sang trồng cây trồng khác.

Cũng theo ông Hoan, bệnh khảm lá vi rút hại mỳ là đối tượng dịch hại mới và nguy hiểm bởi sự lây lan nhanh, mức độ gây hại lớn… Vì vậy, để hạn chế sự lây lan, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã hướng dẫn những hộ có diện tích mỳ nhiễm bệnh từ 70% trở lên nhổ bỏ, tiêu hủy nguồn bệnh; phun thuốc trừ bọ phấn trắng trên những diện tích mỳ bị nhiễm bệnh và khu vực xung quanh để ngăn chặn bọ phấn trắng di chuyển sang nơi khác truyền bệnh… Đặc biệt, kiên quyết không cho người dân sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh khảm lá do vi rút gây hại trên cây mỳ…

Toàn tỉnh hiện có 3 huyện là Ia Pa, Krông Pa và Phú Thiện xuất hiện bệnh khảm lá vi rút hại mỳ. UBND tỉnh đã có Công điện khẩn số 11/ CĐ-UBND gửi các địa bàn huyện, thị xã, thành phố và các nhà máy chế biến tinh bột sắn đứng chân trên địa bàn tỉnh triển khai các biện pháp hạn chế thấp nhất sự lây lan nguồn bệnh giảm thiệt hại cho sản xuất…

Theo báo Gia Lai