Theo đánh giá của ngành chức năng, do ảnh hưởng của đợt nắng nóng và khô hanh kéo dài vừa qua đã làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của một số cây trồng như lúa, ngô và rau đậu vụ Hè Thu… tại hầu hết các huyện trong tỉnh.

Hiện nay, các diện tích ngô của 4 huyện vùng cao phía Bắc là Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ đã bước vào giai đoạn sau thụ phấn; riêng 2 huyện vùng cao phía Tây là Hoàng Su Phì và Xín Mần, các diện tích ngô mới đang chuẩn bị trỗ cờ phun râu. Do ảnh hưởng của nắng nóng và khô hanh trong những ngày vừa qua, hầu hết các diện tích ngô của 6 huyện vùng cao đều bị khô táp lá, một số diện tích ngô không còn khả năng cho thu hoạch.

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Xín Mần, trong vụ Xuân 2017, toàn huyện trồng được khoảng 2.400 ha ngô và hiện nay các diện tích ngô đang chuẩn bị bước vào giai đoạn trỗ cờ phun râu, nhưng do ảnh hưởng của đợt nắng nóng và khô hanh đầu tháng 6, toàn huyện đã có trên 2.000 ha ngô bị ảnh hưởng và bị khô táp lá, một số diện tích ngô không có khả năng cho thu hoạch.

Theo ông Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, trước tình hình nắng nóng và khô hạn vừa qua, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban chức năng triển khai xuống các xã nhằm thống kê những diện tích lúa, ngô bị ảnh hưởng nặng; đối với những diện tích ngô không thể hồi phục do nắng nóng và khô hạn sẽ thu hoạch làm thức ăn cho gia súc và huyện sẽ có phương án sử dụng các giống ngô ngắn ngày trồng thay thế khi thời tiết thuận lợi.

Ngoài cây ngô, nhiều diện tích lúa hè thu của các huyện vùng cao như Quản Bạ,  Yên Minh, Hoàng Su Phì, Xín Mần… đang giai đoạn hồi xanh đẻ nhánh và mạ mùa sớm tại các huyện vùng thấp như Bắc Quang, Vị Xuyên, Bắc Mê, Quang Bình… cũng bị ảnh hưởng do nắng nóng và khô hạn. Nhiều diện tích mặt ruộng của lúa Hè Thu tại các huyện vùng cao do thiếu nước và nắng nóng đã bị khô hạn nứt nẻ làm ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và làm giảm năng suất lúa. Riêng tại huyện Yên Minh, do nắng nóng và khô hạn kéo dài đã làm cho một số diện tích lúa Hè Thu bị chết cháy, không còn khả năng cho thu hoạch. Bên cạnh lúa và ngô, hầu hết diện tích đậu tương và rau màu của tỉnh cũng bị táp lá do khô hạn và nắng nóng.

Một số diện tích lúa Hè Thu của huyện Yên Minh bị chết do nắng nóng

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã lác đác xuất hiện mưa dông nhưng lượng mưa nhỏ và thời gian mưa ngắn nên chưa thể giúp các loại cây trồng hồi phục. Vì vậy, nhiều diện tích cây trồng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm năng suất, một số diện tích có nguy cơ mất trắng nếu như tình hình thời tiết không được cải thiện.

Trước thiệt hại do nắng nóng và khô hạn vừa qua, các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang đã phối hợp với UBND của các huyện, thành phố trong tỉnh thành lập các tổ công tác xuống cơ sở để nắm tình hình, thống kê các diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng và khô hạn báo cáo về Sở Nông nghiệp&PTNT. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố sẽ căn cứ vào tình hình thiệt hại do nắng nóng và hạn hán để xây dựng phương án và có chính sách hỗ trợ người dân ổn định sản xuất nhằm đảm bảo sản lượng lương thực theo kế hoạch.

Phạm Văn Phú

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang