Theo báo cáo của Cục Thú y cho biết hiện nay Việt Nam đã có 08 ổ dịch tả lợn Châu Phi, trong đó huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình giáp ranh với tỉnh Hà Nam, sẽ gây nguy cơ lớn đối với tỉnh Hà Nam thông qua các hoạt động vận chuyển buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc.

Ngay ngày hôm qua 26/2/2019, Sở Nông nghiệp &PTNT Hà Nam đã tập trung triển khai kế hoạch phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tới các huyện, thành phố.

 Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT Hà Nam triển khai cụ thể các giải pháp phòng chống dịch tả Châu Phi trên địa bàn tỉnh

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn. Biểu hiện gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc phải vì chưa có thuốc điều trị. Tuy nhiên bệnh này chỉ lây nhiễm trên loài lợn, không gây bệnh cho các loài động vật khác cũng như không lây sang người. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khoẻ mạnh, gián tiếp qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút.

Khi có dịch, người chăn nuôi không nên hoang mang giấu dịch hoặc bán chạy đàn, cần thông báo ngay với địa phương hoặc cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Tỉnh hỗ trợ tài chính cho người nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ theo Quyết định số 130/QĐ -UBND ngày 17/01/2019.

Trước nguy cơ nhiễm dịch, tỉnh đã chỉ đạo phải chủ động ngăn chặn, giám sát phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với dịch tả lợn Châu Phi với mục tiêu: Giảm thiểu thấp nhất nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả này vào địa bàn tỉnh Hà Nam thông qua kiểm soát các hoạt động vận chuyển, buôn bán; Giám sát chặt chẽ, kịp thời phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi tại địa bàn và xử lý triệt để, không để lây lan ra diện rộng. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến kinh tế, xã hội, môi trường do phải tiêu huỷ lợn, giữ ổn định tốc độ phát triển chăn nuôi.

Giải pháp được xây dựng dựa trên 2 tình huống:

Tình huống 1 - Khi chưa phát hiện dịch: Phải thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, các khu vực mua gom, chợ đầu mối, các cơ sở giết mổ buôn bán, khách sạn, nhà hàng. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để người chăn nuôi, người buôn bán, vận chuyển, giết mổ chủ động thực hiện các biện pháp an toàn sinh học và tuân thủ các quy định của pháp luật. Đồng thời thực hiện đầy đủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về công tác phòng chống dịch bệnh, công tác khử trùng tiêu độc chuồng trại chăn nuôi, môi trường trong chăn nuôi.

Tình huống 2 - Khi phát hiện ổ dịch: Sở Nông nghiệp&PTNT báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, các quy định cụ thể phù hợp. Chủ tịch UBND cấp huyện có dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện hoặc nằm trong vùng bị uy hiếp phải quyết định thành lập hoặc kiện toàn Ban chỉ đạo, điều hành các hoạt động tại địa phương. Thành viên Ban chỉ đạo các cấp trực tiếp đến ngay các địa phương có dịch bệnh, có nguy cơ dịch bệnh để kiểm tra đôn đốc và tổ chức các biện pháp chống dịch.

Các huyện thành phố xây dựng, phê duyệt Kế hoạch của địa phương với các hoạt động cụ thể, tương ứng với các tình huống nêu trên, huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương tham gia vào công tác phòng chống.

Khi phát hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi UBND huyện, thành phố tổ chức xử lý và chống dịch theo quy định Luật Thú y, trong đó tập trung: Tiêu huỷ toàn bộ đàn lợn bị dịch tả Châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính.

Đối vối vùng bị giám sát, bị dịch uy hiếp cần: Tổ chức khoanh vùng dịch, xác định vùng bị uy hiếp, vùng  giám sát; thiết lập các trạm, chốt kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn, các trạm dừng phương tiện giao thông để vệ sinh, khử trùng tiêu độc các phương tiện đi từ vùng dịch, vùng bị uy hiếp và vùng giám sát ra bên ngoài. Không để lợn và sản phẩm lợn vận chuyển ra khỏi vùng, không vận chuyển lợn con, lợn giống từ bên ngoài vào vùng. Kiểm soát việc giết mổ và tiêu thụ lợn, sản phẩm thịt lợn. Điểm giết mổ phải có sự giám sát của chính quyền địa phương. Xây dựng phương án đóng cửa chợ - nơi buôn bán lợn, các sản phẩm của lợn. Tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 3 lần/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Hàng ngày cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh trên hệ thống phát thanh huyện, loa truyền thanh xã. Thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu huỷ của UBND tỉnh

Công bố hết dịch theo Quy định Luật Thú y, sau 30 ngày kể từ khi tiêu huỷ con bệnh cuối cùng mà không có con vật nào mắc bệnh thì mới được công bố hết dịch.

Các Sở ban ngành tuỳ theo chức năng nhiệm vụ phối kết hợp để xử lý và phòng chống dịch theo quy định của Luật Thú y.

Mai Huê 

Trung tâm Khuyến nông Hà Nam