Qua hai đợt mưa, lũ môi trường ở các địa phương bị ô nhiễm nặng, tình hình dịch, bệnh đã xảy ra ở các đàn gia súc làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như đời sống của nhân dân. Tại gia đình chị Nguyễn Thị Khuyên ở xóm La Khê, xã Hương Trạch (Hương Khê) có 54 con lợn bị chết, mỗi con có trọng lượng từ 40 đến 90 kg.

Đàn lợn của gia đình chị Bùi Thị Tam, cách gia đình chị Khuyên 500m cũng có biểu hiện tương tự, làm 29 con lợn bị chết. Dịch tả lợn tiếp tục lây lan sang xã Hương Long và làm cho hai gia đình chăn nuôi lợn ở xã này mắc bệnh. 

Sau khi phát hiện dịch bệnh tại xóm La Khê, xã Hương Trạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm gửi Cơ quan thú y vùng III ở Vinh (Nghệ An) xét nghiệm và có kết quả dương tính với dịch tả lợn. 

Trước đó, ở xã Cẩm Nam, Cẩm Dương, Cẩm Thăng huyện Cẩm Xuyên đã xuất hiện dịch tai xanh ở đàn lợn. Theo thống kê đến nay 3 xã Cẩm Nam, Cẩm Dương, Cẩm Thăng có số lợn chết, tiêu hủy 366 con gồm 13 con lợn nái, 287 con lợn thịt, 66 con lợn con.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tiến hành các biện pháp cấp bánh phòng chống dịch tai xanh và dịch tả trên đàn lợn. Tại các địa phương có dịch tiến hành lập các chốt kiểm dịch để ngăn chặn tình trạng mua, bán, vận chuyển lợn bệnh ra ngoài làm lây lan sang các vùng khác và cấm giết mổ trong vùng xảy ra dịch.  

Chi cục Chăn nuôi và Thú y cùng với các xã cấp 571 lít hóa chất và 9.000 kg vôi bột để khử trùng, tiêu độc vùng dịch và khu vực liên quan. Mặt khác, tiến hành lập 7 chốt kiểm dịch, biển cảnh báo tại khu vực có dịch đồng thời thông báo tạm thời đình chỉ việc mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn trên địa bàn xã có dịch. Ngoài ra, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết và có biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc sau khi nước lũ rút./.        

Công Tường/TTXVN