Sâu keo mùa thu là loại sâu hại mới xuất hiện, có khả năng sinh sản và lây lan nhanh, nếu không phòng trừ kịp thời có thể làm giảm 80% sản lượng cây trồng. Tại Hải Dương, sâu keo mùa thu được phát hiện gây hại trên cây ngô, gây hại nặng trên các giống ngô ngọt, ngô nếp, ngô tẻ với mật độ trung bình từ 1-4 con/m2, nơi cao từ 5-15 con/m2, tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Thanh Miện, Kim Thành.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, sâu keo mùa thu là loại sâu nguy hiểm, sinh sản nhanh và có thể phá hoại cây trồng trong thời gian ngắn nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây, thường phản ứng giả chết và cuộn tròn khi đụng vào, màu sắc cơ thể thay đổi theo tuổi sâu và điều kiện ngoại cảnh. Chúng gây hại từ trong ra ngoài, phần ngọn cây ngô thường bị cắn đứt trước, sau đó chúng ăn khuyết dần các lá tiếp theo. Khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của chúng rất khỏe. Qua quan sát, trên mỗi đọt ngô chỉ phát hiện 1 cá thể sâu trưởng thành, chúng có thể ăn rách nát hết phần ngọn trong một vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Loại sâu này có thể phát tán theo gió với phạm vi hàng trăm km. Sâu chủ yếu ăn lá, bắp ngô non, nếu không phòng trừ kịp thời sẽ làm giảm năng suất ngô.

Ông Nguyễn Đức Thuật, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng cho biết, toàn xã có 200 ha ngô thì đều bị sâu keo mùa thu gây hại, sâu cắn phá nhiều ở những diện tích ngô non, đạt từ 4-6 lá. Hiện Hợp tác xã đang tích cực bám sát đồng ruộng, theo dõi tình hình sâu hại để phun trừ kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu keo mùa thu gây ra.

Theo bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương, qua theo dõi và thử nghiệm phun trừ thì sâu keo mùa thu không khó phòng trừ. Tuy nhiên đây là loài sâu hại có tốc độ lây lan nhanh, có thể phát tán theo gió trong phạm vi hàng trăm cây số nên nếu không phun trừ hợp lý, đúng cách sẽ gây ra hậu quả khó lường.

Trước tác hại của loại sâu này, Chi cục đã tổ chức tập huấn quy trình kỹ thuật phòng trừ sâu keo mùa thu cho đại diện các Hợ tác xã Dịch vụ nông nghiệp có diện tích trồng ngô lớn và chủ cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trong tỉnh… để người dân, cơ quan chuyên môn không chủ quan, chủ động phòng trừ đúng cách.

Chi cục Bảo vệ thực vật cũng khuyến cáo phòng chống sâu keo mùa thu bằng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp như canh tác, thủ công, sinh học, bẫy bả… Khi sử dụng biện pháp hóa học, chỉ được sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có chứa các hoạt chất Bacillus thuringiensis, Spinetoram, Indoxacarb, Lufenuron để phun trừ khi sâu đã số tuổi 1-3 (giai đoạn ngô 3-6 lá), phun sáng sớm hoặc chiều mát.

Được biết, diện tích trồng ngô của Hải Dương hiện có gần 1.300 ha, tập trung ở các huyện Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện, Nam Sách./

Theo TTXVN