Xót lòng nhìn lúa bị trục bỏ

Sau khi xác định diện tích lúa Hè thu được gieo sạ hơn một tháng tuổi bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ hơn 70% và khả năng canh tác tiếp sẽ không hiệu quả nên những ngày qua, nhiều nông dân ở ấp 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đã mướn máy vào trục bỏ lúa và ngâm đất trong nước từ 15-20 ngày nhằm cách ly mầm bệnh, sau đó sẽ tiến hành gieo sạ lại. 

Xót lòng nhìn 5 công ruộng bị nhiễm bệnh VL-LXL đang bị máy trục dìm lúa xuống đất, ông Nguyễn Văn Mười Ba, ở ấp 3, xã Xà Phiên, chia sẻ: “Lúa hơn một tháng, đã rải phân 3 cữ rồi mà thấy cây lúa không phát triển, chỉ thấy lá bị vàng, đỏ, thân thì lùn. Khi cán bộ kỹ thuật xã đến nói là lúa bị bệnh VL-LXL nặng nên tôi và bà con nơi đây quyết định trục bỏ, chứ để lại chỉ tốn thêm chi phí mà không thu lại kết quả gì”.

Theo ông Mười Ba và nhiều nông dân có lúa bị bệnh VL-LXL nơi đây, khi lúa vừa gieo sạ được khoảng 5 ngày thì bị rầy nâu di trú vào với mật số khá đông. Dù nông dân phát hiện sớm và tiến hành phun thuốc diệt rầy nhiều lần nhưng cứ hết đợt rầy này đến đợt rầy khác xuất hiện. Rầy thì xịt chết rất nhiều, nhưng có lẽ trước khi chết rầy mang mầm bệnh VL-LXL đã chích vào cây lúa để gây ra dịch bệnh phải trục bỏ như bây giờ. “Nếu ruộng xa nhà bị rầy nâu tấn công rồi bị bệnh thì không buồn. Đằng này ruộng cặp nhà, ngày nào cũng đi thăm đồng nhưng quả thật trở tay không kịp với đợt rầy vừa rồi”, ông Mười Ba ấm ức nói.

Có 3 công ruộng cặp ranh ông Mười Ba cũng bị nhiễm bệnh VL-LXL và đang chuẩn bị trục bỏ, ông Nguyễn Văn Niên chia sẻ: “Vụ Đông xuân vừa qua, bà con nơi đây làm lúa đều đạt năng suất hơn một tấn/công, thu lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công. Chính vì vậy, khi sang vụ Hè thu ai cũng háo hức xuống giống và đặt nhiều kỳ vọng nhưng nào ngờ bị nhiễm bệnh VL-LXL và đây cũng là lần đầu tiên tôi và bà con xứ này rơi vào hoàn cảnh phải trục bỏ lúa như vầy sau nhiều năm trồng lúa”.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, đến cuối tháng 4 vừa qua, toàn huyện có gần 170ha lúa Hè thu bị nhiễm bệnh VL-LXL, trong đó có gần 30ha bị nhiễm từ 30-70%, còn lại là dưới 30%. Những diện tích lúa bị nhiễm nặng, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con trục bỏ nhằm hạn chế bệnh lây lan và giảm chi phí sản xuất do canh tác không hiệu quả. Hiện toàn huyện có khoảng 15ha lúa Hè thu nhiễm bệnh VL-LXL được nông dân trục bỏ và đang ngâm đất trong nước chờ gieo sạ lại.

Không chỉ nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ lo ngại về dịch hại VL-LXL đang hoành hành mà bà con ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng có áp lực tương tự. Đang đi thăm lại 3/9 công ruộng của gia đình bị nhiễm bệnh VL-LXL, ông Lương Văn Danh Lợi, ở khu vực 2, phường III, thành phố Vị Thanh, thông tin: “3 công lúa này do tôi sạ sớm và đang có những biểu hiện như lá vàng, đỏ, thân lùn nên nghi ngờ lúa bị bệnh VL-LXL tương đối nhiều, còn những công gieo sạ sau thì không bị bệnh. Do bị rầy đeo quằn đọt từ nhỏ và khả năng có truyền bệnh VL-LXL nên lúc lúa được 20 ngày tuổi thì nhìn cây chẳng nở bụi nhiều, từ chỗ cảm thấy chán nản nên tôi và không ít bà con nơi đây không cấy giặm lúa. Hiện những chỗ bị bệnh, lúa phát triển kém chứ không xanh tốt như bình thường, giờ cứ chăm sóc nhưng lo lắng sau này sẽ bị giảm năng suất”.

Chủ động phòng, chống bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá

Nếu như vụ lúa Đông xuân vừa qua, tình hình dịch bệnh VL-LXL chủ yếu ảnh hưởng trên địa bàn huyện Long Mỹ thì hiện tại, dịch hại này đang lây lan sang hầu hết các địa phương có xuống giống lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh. Bởi qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh đang ghi nhận có hơn 418ha lúa Hè thu bị nhiễm bệnh VL-LXL, trong đó diện tích nhiễm nặng gần 267ha, trung bình 31ha, nhẹ 122ha và dưới mức thống kê (dưới 3%) là 78ha. Diện tích lúa nhiễm VL-LXL được phân bố ở hầu hết các địa phương, nhưng tập trung nhiều ở 4 đơn vị, gồm: huyện Long Mỹ, Vị Thủy, Châu Thành A và thành phố Vị Thanh. Trước tình hình trên và dự báo về khả năng dịch bệnh VL-LXL sẽ còn diễn biến phức tạp và lây lan sang diện rộng nên việc chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch hại này và đối tượng truyền bệnh là rầy nâu đang được ngành chức năng các địa phương cùng người dân quan tâm.

Theo ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, từ cuối tháng 3 vừa qua cho đến nay, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện đã phối hợp cùng ngành chức năng các xã trên địa bàn tổ chức 58 lớp tập huấn nhanh cho khoảng 1.800 nông dân. Nội dung là khuyến cáo bà con xuống giống theo lịch gieo sạ tập trung, né rầy, những diện tích xuống giống không tuân thủ theo lịch khuyến cáo sẽ tiến hành lập biên bản làm việc để làm cơ sở xem xét sau này; hướng dẫn nông dân dùng nước che chắn rầy nâu ở giai đoạn lúa còn non để hạn chế rầy đẻ trứng và chích hút truyền bệnh VL-LXL, đồng thời kết hợp việc đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM trong canh tác lúa. Khi nông dân phát hiện mật số rầy từ 3 con/tép thì tiến hành phun trừ bằng những loại thuốc đặc trị và tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. Riêng những diện tích đã nhiễm bệnh VL-LXL thì tổ chức tập huấn ngay tại ruộng để giúp nông dân nhận dạng và hướng dẫn các biện pháp phòng trừ, tránh lây lan sang các ruộng lân cận…

Ông Trần Hoài Nhân, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Long Mỹ, đánh giá: Qua các lớp tập huấn, hầu hết nông dân nắm bắt được thông tin, hiểu rõ hơn về tác hại của rầy nâu, bệnh VL-LXL, đồng thời tiếp cận và vận dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới để hạn chế thấp nhất thiệt hại của rầy nâu, bệnh VL-LXL gây ra trong thời gian tới.

Như vậy, sau khoảng 10 năm vắng bóng, hiện dịch hại VL-LXL bắt đầu xuất hiện trở lại từ vụ lúa Đông xuân vừa qua không chỉ ở tỉnh Hậu Giang mà còn ở nhiều tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) đã khoanh 3 tỉnh là Hậu Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng là những địa phương nằm trong ổ dịch và được liệt vào diện đặc biệt phải quan tâm trong vụ lúa Hè thu này. Dù được cảnh báo từ trước và ngành chức năng cũng thực hiện nhiều giải pháp nhưng bệnh VL-LXL đang bùng phát và gây hại nặng, trong đó có nhiều diện tích trên địa bàn tỉnh phải trục bỏ. Do đó, thiết nghĩ ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cần có giải pháp quyết liệt hơn để khống chế dịch hại nguy hiểm này nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, đặc biệt là trước tình hình thị trường lúa gạo đang có nhiều thuận lợi cho bà con như vụ lúa Đông xuân vừa qua.

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 57.000ha lúa Hè thu, trong đó lúa tập trung ở giai đoạn mạ và đẻ nhánh với hơn 46.000ha, còn lại là giai đoạn làm đòng với gần 10.000ha và giai đoạn trổ - chín gần 800ha. Ngoài dịch hại đáng lo ngại là rầy nâu và bệnh VL-LXL thì các đối tượng khác tuy có xuất hiện nhưng mức độ ảnh hưởng ít, nông dân phòng trị kịp thời và hiệu quả.

Theo báo Hậu Giang