1. Rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại và xác định mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý phù hợp.

2. Tăng cường cử cán bộ kỹ thuật tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời cho diện tích bị thiệt hại để đảm bảo đạt năng suất, sản lượng theo kế hoạch.

3. Áp dụng biện pháp tổng hợp trong quản lý nước tưới, khoanh vùng để tiêu thoát triệt để đối với diện tích lúa, màu chưa thu hoạch và diện tích lúa Đông Xuân đã gieo trồng ở giai đoạn mạ.

 Rà soát, thống kê diện tích cây trồng bị thiệt hại và mức độ thiệt hại để có biện pháp xử lý phù hợp (Ảnh: baotintuc.vn)

4. Lưu ý áp dụng một số biện pháp sau đây:

a) Đối với cây trồng dài ngày (cây công nghiệp và cây ăn quả):

- Những vườn cây có diện tích bị thiệt hại dưới 30% và mức độ thiệt hại nhẹ, cần khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương đào mương để thoát nước trong vườn, dựng lại cây bị đổ ngã, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Sử dụng thuốc BVTV theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành để phòng trừ. Đồng thời, chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm các diện tích bị thiệt hại.

- Tiến hành thống kê những vườn cây theo mức thiệt hại:

+ Diện tích bị thiệt hại trên 30% đến 70 %;

+ Diện tích bị thiệt hại trên 70 %.

Thống nhất với cơ quan phòng chống thiên tai đề xuất các giải pháp hỗ trợ.

b) Cây trồng ngắn ngày:

Đối với cây lúa:

- Lúa Mùa: chủ yếu là các trà lúa làm đòng, trỗ, chín

+ Hướng dẫn nông dân kỹ thuật bón phân, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo từng trà lúa; chú ý các trà lúa đang giai đoạn làm đòng, trỗ, chín cần hạn chế tình trạng đổ ngã làm ảnh hưởng đến năng suất.

+ Huy động các nguồn nhân lực tại địa phương để thu hoạch dứt điểm diện
tích lúa đã chín theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế rơi
rụng, lúa mọc mầm trên bông, thât thoát trong và sau thu hoạch.

- Lúa Đông Xuân:

+ Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên: Tùy theo diễn biến thời tiết bố trí lịch thời
vụ phù hợp cho từng vùng, chú ý xuống giống phải sau ngày 23/10 âm lịch (tức
29/11 dương lịch) để đảm bảo an toàn cho các trà lúa.

+ Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam Bộ khẩn trương xuống giống trong các tháng 11, 12
theo lịch né rầy và cân đối nguồn nước, nhất là các tỉnh ven biển Nam bộ cần dứt điểm xuống giống trong tháng 11 dương lịch.

Đối với cây rau, màu:

- Tập trung rà soát diện tích rau màu bị ngập để khẩn trương khôi phục, hướng dân nông dân xới xáo phá váng, vun gôc; phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật để phòng trừ bệnh; kết hợp một số chế phẩm kích thích tăng trưởng, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh chóng phục hồi.

- Tiến hành trồng mới lại cây rau màu ngắn ngày ở những vùng an toàn và rải vụ phù hợp để tránh tình trạng dư thừa hoặc thiếu rau vào dịp tết Nguyên đán.

5. Chuẩn bị vật tư nông nghiệp cho sản xuất vụ Đông Xuân:

- Rà soát các nguồn vật tư hiện có tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giống cây trồng để có phương án khắc phục, tránh trường hợp bị động làm ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân 2018-2019.

- Tăng cường công tác thanh kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón và thuốc BVTV) phục vụ cho sản xuất.

6. Chủ động đề xuất ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp hỗ trợ nông dân kịp thời khôi phục sản xuất. Nhanh chóng tổng hợp thiệt hại do bão số 9 gây ra và đề xuất các hình thức hỗ trợ gửi về Cục Trồng trọt trước ngày 03/12 để tổng họp báo cáo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp & PTNT.

BBT (gt)