Do ảnh hưởng không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên trong những ngày cuối tháng 11 đầu tháng 12/2016 đã xảy ra mưa lớn trên diện rộng từ Quảng Trị đến Khánh Hòa đã gây ngập lụt nặng một số tỉnh như Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi; nhiều diện tích lúa và hoa màu bị ngập sâu trong nhiều ngày có khả năng mất trắng. Nhằm khôi phục sản xuất sau mưa lũ, Cục Trồng trọt đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh miền Trung cần tập trung chỉ đạo một số biện pháp sau:

1. Khẩn trương chuẩn bị đủ lượng giống lúa để giúp dân gieo sạ lại những diện tích lúa Đông Xuân đã xuống giống bị mất trắng do ảnh hưởng của mưa lũ; cần bố trí giống lúa ngắn ngày để kịp thời vụ cho vụ sau.

2. Những diện tích lúa có thể phục hồi, khuyến cáo bà con nông dân điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị đổ rạp; nếu ruộng có bùn đất bám trên cây cần té nước rửa lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp; tăng cường chăm sóc, sử dụng các loại phân bón kích thích ra rễ, phân bón lá thích hợp chứa các chất dinh dưỡng trung, vi lượng như magiê, kẽm… giúp cây lúa phục hồi nhanh. Sau 5 - 6 ngày cây lúa hồi phục, tăng cường tỉa dặm để đảm bảo mật độ, sử dụng phân NPK chuyên dùng có hàm lượng đạm và kali cân đối, không sử dụng đạm đơn và không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại và đổ ngã.

3. Đối với diện tích rau màu bị thiệt hại hoàn toàn, các địa phương cần chuẩn bị hạt giống rau màu để sẵn sàng trồng lại khi thời tiết thuận lợi, nhất là các loại rau ngắn ngày để đảm bảo nguồn rau cung cấp cho thị trường, không để tình trạng khan hiếm rau xảy ra, nhất là phục vụ trong dịp Tết sắp đến.

Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau màu còn có khả năng phục hồi cần tập trung chăm sóc trở lại, chú ý phun các loại thuốc phòng trừ nấm hại theo hướng dẫn của ngành Bảo vệ thực vật để phòng trừ nấm lở cổ rễ; kết hợp một số chế phẩm kích thích tăng trưởng, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh chóng phục hồi.

4. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm: cần khuyến cáo bà con nông dân sau mưa, lũ khẩn trương đào mương ở các mặt luống để thoát nước trong vườn, đặc biệt với những vườn đất thấp; xới phá váng để rễ cây được thông thoáng và triển khai các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bón phân để phục hồi vườn cây. Đồng thời, chủ động nguồn giống để tiến hành trồng dặm các diện tích bị thiệt hại.

5. Tập trung huy động khắc phục các diện tích bị sa bồi thủy phá, bờ vùng bờ thửa bị hư hại và chuẩn bị đất kịp xuống giống lúa Đông Xuân chính vụ.

6. Các địa phương bị thiệt hại cần khẩn trương rà soát diện tích lúa, hoa màu, cây công nghiệp, cây ăn quả bị thiệt hại, đề xuất chính sách hỗ trợ cho người dân vùng bị thiệt hại khôi phục sản xuất. Tham mưu đề xuất hỗ trợ hạt giống từ nguồn dự trữ quốc gia để kịp thời có giống cho nông dân gieo trồng đảm bảo kế hoạch sản xuất.

7. Phân công cán bộ bám sát tình hình sản xuất, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời, báo cáo nhanh tình hình thiệt hại (nếu có) về Bộ Nông nghiệp và PTNT qua Cục Phòng chống thiên tai và Cục Trồng trọt để tổng hợp.

8. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sản xuất, kinh doanh giống, vật tư nông nghiệp trên thị trường, kiên quyết không để lợi dụng tình hình khó khăn do lũ lụt buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng xấu đển sản xuất, thiệt hại cho nông dân.

Trên đây làm một số nhiệm vụ cấp bách cần triển khai để khắc phục hậu quả mưa lụt và thực hiện tốt kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân 2016 - 2017, đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh miền Trung tổ chức triển khai thực hiện và báo cáo kịp thời về Cục Trồng trọt để theo dõi và chỉ đạo chung./.

BBT (gt)