Đây là loại sâu ăn tạp, thường phát sinh gây hại mạnh từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 8. Với tập tính ăn rất khỏe và đi ăn theo đàn, chúng thường ăn cụt ngang thân cây con (đối với ngô nhỏ) hoặc ăn trụi hết lá ngô, chỉ để chừa lại gân lá (đối với ngô đã trưởng thành) hoặc ăn cụt hết toàn bộ lá lúa gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng của cây trồng. Khi hết thức ăn, chúng di chuyển hàng đàn từ ruộng này sang ruộng khác, từ vùng này sang vùng khác để phá hại. Trên đường đi khi mật độ đàn lớn chúng có thể ăn trụi cả cỏ dại.

Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều con trên 1 cây ngô

Với điều kiện thời tiết thuận lợi (nắng nóng, xen kẽ các đợt mưa rào lớn), dự báo giữa - cuối tháng 7 sẽ có một lứa sâu keo nở rộ gây hại mạnh trên cây ngô lúa nương và lúa một vụ vùng cao. Để chủ động phòng trừ sâu keo (sâu đàn) kịp thời, hiệu quả, bảo vệ an toàn cho sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đề nghị:

UBND các huyện, thành phố: Chỉ đạo phòng Nông nghiệp và PTNT, Kinh tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khẩn trương tuyên truyền khuyến cáo nhân dân kiểm tra đồng ruộng nhằm phát hiện sớm sâu keo gây hại; khoanh vùng, thống kê diện tích nhiễm và hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp phòng trừ kịp thời, như:

+ Phát quang cỏ dại xung quanh nương, ruộng để hạn chế nơi ẩn nấp, trú ngụ của sâu keo;

+ Sử dụng một số các loại thuốc có hoạt chất: Cypermethrin; Alpha Cypermethrin, Emamectin benzoate,  lndoxacarb, Chlorantraniliprole… (như: Sherpa 25EC,  Vifast 5EC, Dylan 10EC, Clever 300 WG; Virtako 40WG…)

Lưu ý: Để phòng trừ sâu đạt hiệu quả cao cần khoanh vùng sâu hại, phun bao vây xung quanh vùng từ ngoài vào trong để hạn chế sâu di chuyển sang ruộng khác, phun kỹ trên cây trồng, dưới mặt đất và cả cỏ dại quanh ruộng (vì khi thấy động sâu sẽ rơi xuống đất giả chết).

Đài Phát thanh - TH huyện, hệ thống loa phát thanh xã tăng cường tuyên truyền hướng dẫn cách nhận biết và biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu keo để nhân dân biết chủ động kiểm tra, phát hiện và phòng trừ.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật: Tăng cường cán bộ phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, phát hiện, dự tính dự báo, tham mưu các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng, Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh: Phối hợp với các tổ công tác của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật và UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền hướng dẫn nhân dân cách nhận biết và phòng trừ sâu keo kịp thời, hiệu quả.

Lưu Hòa

Trung tâm Khuyến nông và DVNN Lào Cai