Theo người dân trồng chanh, bệnh nấm hồng phát triển tốt trong điều kiện nóng ẩm, giao mùa giữa hai mùa mưa và nắng. Bệnh tấn công chủ yếu trên vỏ của thân và cành của cây trưởng thành. Triệu chứng ban đầu là dạng chỉ màu trắng của khuẩn ty phát triển trên bề mặt của vỏ cây. Trong điều kiện nóng ẩm, vết bệnh lây lan nhanh chóng tạo thành một lớp khuẩn ty bao phủ quanh thân cành. Khuẩn ty ngày càng dày đặc như lớp phấn phủ có màu trắng phấn, sau chuyển màu hồng phấn và màu xám trắng ở giai đoạn cuối.  

Đồng thời, trong quá trình lan rộng của vết bệnh, nấm ký sinh xâm nhập vào bên dưới phá hại mạch dẫn làm chết vỏ cây; nước và chất dinh dưỡng không được vận chuyển lên trên làm cho phần cành phía trên vết bệnh khô và chết sau đó.             

Hiện Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An đã khuyến cáo nông dân trồng chanh cách chăm sóc, bón phân đúng liều lượng. Cụ thể:

- Bón cân đối phân NPK.

- Đối với chanh trồng mới: cắt tỉa cành, tạo tán.

- Đối với cây chanh thời kỳ kinh doanh: tỉa cành, loại bỏ những cành sâu bệnh để kích thích cây phát triển, vừa tạo thông thoáng vừa tăng năng suất.

- Tăng cường bón phân hữu cơ và sử dụng nấm Trichoderma; phun thuốc gốc đồng để trị bệnh.

- Cắt tỉa các cành bị nhiễm bệnh đem đi tiêu huỷ. Đối với các cành mới bị nhiễm bệnh thì cạo cho lớp vỏ bong tróc, sau đó phun thuốc phòng trị.

- Thường xuyên theo dõi để phát hiện bệnh sớm, phòng trừ bệnh kịp thời để giảm thiệt hại, nâng cao hiệu quả và giảm chi phí phòng trừ.              

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở huyện Bến Lức đã chọn cây chanh làm cây trồng chủ lực. Huyện Bến Lức hiện có khoảng trên 4.000 ha diện tích trồng chanh, tập trung ở các xã: Thạnh Hòa, Thạnh Lợi, Bình Đức, Lương Hòa, Lương Bình,… Việc chuyển đổi các cây khác sang trồng cây chanh đã làm cho người dân nơi đây tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng được ổn định.

 TTXVN