Kết quả điều tra hiện tại mật độ rầy nâu, rầy lưng trắng tương đối cao và gây hại nặng trên cây lúa, đặc biệt trên trà lúa ôm đòng, trỗ. Rầy tập trung chủ yếu phần thân cây lúa chích hút làm cho cây sinh trưởng kém, những ruộng có mật độ quá cao rầy đã di chuyển lên phía ngọn, nếu bị hại nặng có thể gây cháy lúa.

Kinh nghiệm theo dõi nhiều năm cho thấy, vào những dịp nửa cuối tháng 4 quần thể rầy tích lũy mật độ cao và thường gây hại nặng trên cây lúa. Nếu công tác điều tra phát hiện và cảnh báo rầy không kịp thời sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất lúa và thất thu cho bà con nông dân.

Biện pháp chủ yếu hiện nay là đảm bảo mực nước trong ruộng lúa, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng xác định những vùng lúa có mật độ rầy cao để chủ động phun trừ.

Trên diện tích lúa từ thời kỳ đứng cái, ôm đòng đến trỗ có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên, phun trừ bằng một trong các loại thuốc sau: Chess 50WG, Oshin 20WP, Elsin 10EC, Sutin 50SC, Chatot 600WG, Cyo super 200WP,… phun theo liều khuyến cáo. Đây là các thuốc có tác dụng lưu dẫn nên cần phun sớm khi rầy ở tuổi nhỏ. Khi phun không cần phải rẽ lúa nhưng phải đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 - 30 lít/500 m2).

Trên trà lúa sau trỗ đến chín sáp hướng dẫn phun trừ trên những diện tích có mật độ rầy từ 2.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như Victory 585EC, Penalty gold 40EC, Bassa50 EC… Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc (24 - 30 lít/500 m2), rẽ lúa thành băng và phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.

Theo nongnghiep.vn