Người dân phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ

Thông tin do ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật Nam Định, cho biết. Cá biệt, qua kiểm tra có những khu vực, mật độ sâu bệnh đạt 800 trứng sâu/m2. Dù thời tiết bất thuận, tỉnh này vẫn đang rốt ráo vận động người dân ra đồng phòng trừ sâu bệnh.

Vụ mùa 2016, tỉnh Nam Định gieo cấy 77.402ha, giảm 901ha so với vụ mùa 2015. Trong đó, trà mùa trung đạt 66.650ha, chiếm khoảng 86% tổng diện tích sản xuất.

Theo ông Chính, do ảnh hưởng của hai cơn bão số 1 và 3, thời gian sinh trưởng của cây lúa bị chậm lại từ 7 - 10 ngày. Cây lúa non hơn, cộng với thời tiết nắng mưa xen kẽ, thuận lợi cho sâu bệnh đẻ trứng với tỉ lệ cao hơn và bùng phát thành dịch.

Ông Chính cho biết, trong ngày 12/9, đoàn kiểm tra đã đi các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường để kiểm tra tình hình sâu bệnh. Theo đó, diện tích 65.000ha lúa bị sâu cuốn lá nhỏ cần phải phòng trừ chủ yếu thuộc diện tích trà mùa trung. Tỉ lệ sâu bệnh trung bình là 19 trứng, 28 sâu/khóm. Cá biệt, có những diện tích tỉ lệ trứng sâu đạt 800 quả/m2. Theo ông Chính, đây là một hiện tượng hiếm gặp, từ năm 2010 tới nay mới lặp lại.

Cũng theo ông Chính, ngày từ ngày 6/9, đơn vị này đã kiểm tra và ra thông báo về tình hình dịch bệnh nói chung, sâu cuốn lá nhỏ nói riêng trên địa bàn tỉnh gửi các Cục BVTV, Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT). Dự báo, bướm sâu cuốn lá nhỏ lứa 7 rộ từ ngày 5 - 15 /9, sâu non nở rộ từ 10 - 17/9. Mật độ phổ biến 30 - 50 con/m2, cục bộ > 500 con/m2. Sâu non sẽ gây hại trực tiếp bộ lá đòng và lá công năng của cây lúa.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Nam Định cũng đã gửi công điện yêu cầu các địa phương trong tỉnh tập trung phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, tổng diện tích 65.000ha. Trong đó, phun tập trung chủ yếu từ ngày 12 - 17/9. Riêng những nơi có mật độ sâu trên 300 con/m2 thì cần phải trừ kép lần 2 sau đó 5 ngày.

Tại huyện Nghĩa Hưng, tính đến ngày 13/9, khoảng 60% diện tích lùa mùa đã được phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hưng, đây là lứa sâu kéo dài, có mật độ rất cao, phân bố trên diện rộng, nguy cơ gây hại cho cây lúa là rất lớn. Ngày 9/9, đơn vị này cũng đã gửi công điện tới tất cả các xã, thị trấn tiến hành phun kép lần 1 từ 12 - 15/9, lần 2 từ 17 - 20/9.

Ông Phạm Văn Thái, Trưởng ban Nông nghiệp xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng) cho biết, trong tổng số 489ha lúa mùa thì có tới 464ha có dấu hiệu nhiễm sâu cuốn lá nhỏ cần phải phòng trừ. Nhiều diện tích bị nhiễm sâu bệnh ở mức cao, tỉ lệ khoảng 150 sâu/m2.

Theo ông Thái, xã phát động người dân bắt đầu tiến hành phun thuốc từ ngày 12/9. Sau một ngày, khoảng 70% diện tích lúa cơ bản đã được phòng trừ. Sau ngày 15, nếu như kiểm tra sâu bệnh vẫn còn thì sẽ tiếp tục phát động người dân phun kép đợt 2.

“Đến ngày 15/9, diện tích mùa sớm trên địa bàn sẽ trỗ xong. Đến ngày 20 thì diện tích trà mùa trung cũng cơ bản trỗ xong. Nếu như không kịp thời phát hiện và phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ, chỉ sau vài ngày có lẽ cả cánh đồng lúa bị ăn sạch”, ông Thái cho biết.

Bà Phạm Thị Huê ở đội 5, xã Nghĩa Thái cho biết vừa phun thuốc xong 7 sào lúa, rất may không gặp mưa. Tiền thuốc dùng cho mỗi sào khoảng 20 nghìn đồng, tính cả công thuê người phun hết 40 nghìn đồng/sào. Bà Phạm Thị Thắm, đội 4 (cùng xã Nghĩa Thái) thì cho biết, sáng 13/9 vừa phun xong 4 sào lúa thì trời đổ mưa, coi như công cốc. Buổi chiều, bà lại vác bình ra đồng phun lại.

Theo ông Thái, sau khi phun thuốc, nếu chưa đủ 4 tiếng mà gặp mưa, người dân cần phun lại ngay. Ngày 15/9 tới đây, Ban Nông nghiệp xã sẽ đi kiểm tra lại tình hình sâu bệnh để có định hướng công tác phòng trừ triệt để.

Theo ông Trần Ngọc Chính, từ giữa tháng 8, trên địa bàn tỉnh Nam Định, tình trạng bệnh bạc lá có xuất hiện rải rác tại một số hiện. Tuy nhiên, do công tác phòng trừ kịp thời, đến thời điểm này, lúa đã ra thêm lá đòng mới nên đã được khống chế. Tuy nhiên, cùng với sâu cuốn lá nhỏ, bệnh bạc lá cũng như sâu đục thân vẫn được theo dõi sát sao cho tới cuối vụ. 

 

Theo nongnghiep.vn