Ông Lê Văn Gọng, thành viên Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành chia sẻ, gia đình ông đầu tư 50 triệu đồng nuôi nghêu từ khi hợp tác xã bắt đầu thành lập năm 2005. Hơn 13 năm nuôi nghêu, chưa khi nào nghêu chết bất thường nhiều như những lần gần đây. Những vụ thu hoạch trước, sau 18-24 tháng thả giống, ông luôn được chia lợi nhuận bình quân từ 50% đến hơn 100% vốn.

Tuy nhiên đợt thả giống năm 2017 đến nay, khi nghêu đạt kích cỡ thương phẩm (50-60 con/kg) là bị chết hàng loạt. Nhiều thành viên hợp tác xã hoàn toàn mất trắng, lãi không có mà vốn cũng không còn. Hiện hợp tác xã đang huy động vốn để tái sản xuất nhưng hầu hết thành viên đều rất e ngại, không dám tiếp tục đầu tư.

Ông Phạm Văn Trường, Giám đốc Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành cho biết, hợp tác xã hiện có 322 thành viên; trong số này, hộ nghèo và cận nghèo chiếm hơn 50%. Những hộ nghèo và cận nghèo này được ngân hàng chính sách cho vay lãi suất thấp để đầu tư nuôi nghêu cải thiện cuộc sống nhưng sản xuất mất trắng khiến những hộ này gặp rất nhiều khó khăn, không có vốn đầu tư vụ mới mà còn bị nợ tiền ngân hàng. Do vậy, hợp tác xã gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn cho vụ sản xuất mới.

Bãi nuôi nghêu của Hợp tác xã Tiến Thành rộng 200 ha. Từ năm 2018 đến nay, tình trạng nghêu nuôi đạt kích cỡ thương phẩm bị chết hàng loạt liên tục xảy ra. Theo thống kê của Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành, 3 đợt vừa qua khiến hợp tác xã thiệt hại hơn 1.000 tấn nghêu thương phẩm. Với giá bán 22.000-24.000 đồng/kg, hợp tác xã thất thu hơn 22 tỷ đồng.  Đến nay, hơn 300 hộ thành viên hợp tác xã trắng tay, nhiều hộ không còn vốn để tái vụ. Hiện bãi nghêu của Hợp tác xã Tiến Thành còn khoảng 50 tấn nghêu thương phẩm nhưng không thể thu hoạch do ảnh hưởng dịch bệnh nên thương lái không thu mua.

Hai lần thiệt hại trước, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh) đã lấy mẫu nghêu gửi Chi cục Thú y vùng VII để phân tích, kết quả nghêu chết do nhiễm ký sinh trùng Perkinsus spp với mức độ rất cao, gây dịch bệnh và chết. Tuy nhiên, lần thiệt hại này, kết quả phân tích của Chi cục Thú y Vùng VI lại không phát hiện kí sinh trùng Perkinsus olseni. 

Theo nhận định của ngành nông nghiệp tỉnh, do thời điểm này bắt đầu mùa sinh sản của nghêu, nhưng thời tiết bất lợi, độ mặn thấp, nhiệt độ môi trường cao gây ảnh hưởng việc sinh trưởng, phát triển của nghêu, làm nghêu bị suy yếu và thiệt hại. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh vận động Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành tiến hành thu hoạch nhanh số lượng nghêu đạt kích cỡ thương phẩm; đồng thời khuyến cáo người dân tạm ngưng thả giống vụ nuôi mới, chờ hướng dẫn và hỗ trợ của ngành chuyên môn./.

Theo TTXVN