Thêm nhiều diện tích sắn nhiễm bệnh

Ông Nguyễn Văn Minh, Chi cục phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Hiện nay, bệnh khảm lá sắn tiếp tục lây lan ra 80,2ha, trong đó huyện Sơn Hòa 11ha, Sông Hinh 69,2ha.

Trước đó, đầu tháng 10 vừa qua, bệnh khảm lá hại sắn lây lan nhanh gây hại 67,4ha trên giống HLS11, KM419. Trong đó, huyện Sông Hinh có diện tích sắn bị bệnh 59,9ha; tập trung tại các xã Ea Ly 35,2ha, Ea Bar 0,2ha, Ea Lâm 7,4ha, Ea Bia 1,6ha, Đức Bình Đông 12,4ha, Đức Bình Tây 0,5ha và thị trấn Hai Riêng 2,6ha. Huyện Sơn Hòa có 7,5ha sắn bị bệnh, tập trung tại các xã Ea Chà Rang 4,5ha, Krông Pa 2ha và Sơn Phước 1ha. Ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy 24ha sắn bị bệnh tại các xã Ea Ly, Ea Bar và thị trấn Hai Riêng.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, bệnh khảm lá do virus gây ra lan truyền qua hom giống và môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng. Khi sắn bị bệnh thì không cho năng suất. Hiện bệnh khảm lá sắn đang có xu hướng lây lan phát sinh, uy hiếp các vùng trồng sắn trong tỉnh. Do đó, nông dân cần chủ động phòng trừ bằng cách tiêu hủy sắn bị bệnh và hom giống còn lại, không mua giống từ các tỉnh có dịch bệnh khảm lá virus hại sắn, cũng như các giống không rõ nguồn gốc.

Hiện bệnh khảm lá sắn đang có xu hướng lây lan phát sinh, uy hiếp các vùng trồng sắn trong tỉnh

Để quản lý bệnh, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã tổ chức tập huấn 14 lớp cho 700 nông dân tại các xã có bệnh khảm lá hại sắn, nắm thông tin về nguồn du nhập sắn giống và hướng dẫn nông dân cách quản lý cũng như cách tiêu hủy sắn bị bệnh. Đoàn kiểm tra của chi cục cũng đã làm việc với các hộ buôn bán hom sắn giống, phổ biến tác hại của bệnh này, đồng ý tiêu hủy lượng hom giống còn lại.

Theo ông Nguyễn Văn Kiện, Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Sông Hinh, thời gian qua, trạm phối hợp với các địa phương theo dõi diễn biến bệnh hại, thống kê chi tiết trên địa bàn các xã có sắn bị nhiễm bệnh, từ đó khoanh vùng, tổ chức tập huấn, hướng dẫn nông dân có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Thiệt hại lớn

Diện tích nhiễm bệnh khảm lá virus hại sắn ngày càng tăng nhanh, trong khi đa số người dân vẫn chưa chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất sắn trung bình từ 20- 25 triệu đồng/ha, làm nhiều nông dân tiếc của, không tiêu hủy cây bệnh triệt để. Điều này làm cho vùng trồng sắn tiếp tục lây lan nhanh bệnh khảm lá. Đơn cử như tại huyện Sơn Hòa, bệnh khảm lá sắn gây hại 11ha, nhưng chỉ mới tiêu hủy 1ha.

Ông Ma Hiên, nông dân trồng sắn ở xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), phân trần: Chúng tôi đã đầu tư chi phí khá lớn để làm đất, diệt cỏ, bón phân cho diện tích sắn của gia đình, không may sắn “dính” bệnh và phải tiêu hủy nên tôi rất tiếc.

Ông Kpá Y Quyên, Phó Phòng Nông nghiêp & PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Ngành Nông nghiệp tiếp tục tuyên truyền nhận thức cho nông dân thấy được tác hại của bệnh khảm lá cũng như cách phòng trừ bệnh hiệu quả. Trong đó quan trọng hiện nay là quản lý và sử dụng nguồn giống, đặc biệt là việc tiêu hủy triệt để sắn bị bệnh.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến cuối tháng 10, bệnh khảm lá sắn đã xuất hiện, gây hại sắn hơn 224.000ha tại 12 tỉnh, với mức độ gây hại khác nhau. Thời gian tới, nếu các địa phương không chỉ đạo quyết liệt công tác phòng chống, bệnh khảm lá sắn thì sẽ tiếp tục lây lan rất nhanh. Ngay cả giống KM94 được cho là kháng bệnh tốt, nay cũng mẫn cảm với bệnh. Trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam vẫn chưa có thuốc được đăng ký phòng trừ bọ phấn trắng trên cây sắn - môi giới truyền bệnh khảm lá sắn.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương có trồng sắn thống kê những diện tích trồng sắn bị nhiễm bệnh, hướng dẫn nông dân tiêu hủy nguồn bệnh kịp thời; ngăn chặn triệt để việc sử dụng cây sắn đã nhiễm bệnh làm giống nhằm tránh lây lan trên diện rộng. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ nông dân không tiếp tục trồng ra ruộng và tiêu hủy sắn giống hiện đang tồn trữ. Nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh, người nông dân nhập các giống sắn không rõ nguồn gốc.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, để quản lý và phòng chống dịch bệnh khảm lá hại sắn, quan trọng nhất là công tác phối hợp giữa các tỉnh về quản lý nguồn giống phải chặt chẽ. Ngay trong tỉnh, nếu tỉnh nào có sắn bị nhiễm bệnh ít thì cũng phải khoanh vùng để dập bệnh, không thể để nông dân sử dụng giống nhiễm bệnh trong một diện tích nhỏ.

Theo baophuyen.com.vn