Người nuôi chủ quan

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chỉ mới tiêm được khoảng 300.000 liều vắc-xin cúm cho đàn gia cầm, tập trung chủ yếu ở các đàn vịt nuôi chạy đồng hoặc các trang trại nuôi quy mô công nghiệp, chưa được 10% tổng đàn. Còn lại hầu hết trại nuôi gà, vịt theo phương thức gia trại, chăn nuôi quy mô gia đình nhỏ lẻ thì người dân chưa quan tâm đến việc tiêm phòng nên khả năng kháng dịch bệnh của gia cầm rất thấp.

Ông Năm Phúc ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa), một trong những hộ nuôi vịt lâu năm ở địa phương này cho hay: Mấy năm nay giá trứng và vịt thịt  lên xuống thất thường, có năm giá bán ra còn thấp hơn giá thành sản xuất, người nuôi vịt gặp nhiều khó khăn nên tôi cắt giảm chi phí tiêm vắc-xin phòng dịch cho đàn vịt. Gia đình chỉ tiêm phòng vắc-xin dịch tả vịt vì loại bệnh này rất thường gặp, còn các loại khác đều cắt. Ngoài ra, với đàn nuôi chỉ hơn 1.000 con, lại chăn thả tại địa phương, không đưa vịt đi ăn đồng ở tỉnh ngoài nên gia đình tôi không tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn vịt.

Tương tự, hầu hết các hộ nuôi gà với quy mô gia trại cũng không quan tâm đến việc chủng ngừa dịch bệnh cho đàn nuôi. Theo bà Nguyễn Thị Lái ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa), nhiều năm gần đây, dịch cúm gia cầm không xảy ra trên địa bàn nên gia đình bà không tiêm phòng loại vắc xin này cho đàn gà. “Đồng thời, gia đình tôi nuôi gà theo hình thức khép kín, con giống tự ấp nở, gà giống nuôi lớn bán thịt, các nguy cơ lây nhiễm cũng được hạn chế. Vì vậy, tôi không quan tâm lắm đến việc chủng ngừa”, bà Lái cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Ngoài sự chủ quan của người dân thì hiện nay có khá nhiều hộ chăn nuôi vịt quây lưới thả nuôi ở các bãi bồi ven sông cũng tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lan rộng khi có dịch bệnh xảy ra, do mầm bệnh được phát tán theo nguồn nước. Cùng với đó, việc chưa chú trọng vệ sinh môi trường, thu gom chất thải chăn nuôi cũng sẽ là một trong những nguyên nhân góp phần làm phát sinh dịch bệnh.

Tăng cường kiểm soát, đẩy mạnh tuyên truyền

Theo Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), vừa qua, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại các tỉnh Hải Phòng và Nghệ An với 3 ổ dịch cúm do vi rút A/H5N6 gây nên. Ngành Thú y các tỉnh này đã triển khai nhiều biện pháp để phòng chống, khống chế dịch bệnh. Mặc dù vậy, với điều kiện thời tiết mưa nắng thất thường như hiện nay thì nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới rất cao. Do đó, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm.

Để ngăn ngừa, phòng chống hiệu quả dịch cúm gia cầm, các ngành chức năng của tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người chăn nuôi nâng cao ý thức phòng dịch cúm gia cầm. Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết: Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh hiện có hơn 3,9 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Các địa phương có đàn gia cầm lớn là các huyện Phú Hòa, Tuy An, Đông Hòa, Tây Hòa... Tuy nhiên, người chăn nuôi còn khá chủ quan và lơ là với loại dịch bệnh nguy hiểm này nên chưa có sự quan tâm, phòng ngừa dịch bệnh đúng mức. Để nâng cao ý thức cho người chăn nuôi, ngành Thú y đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác vận động người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Với hình thức chăn nuôi này, người dân áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, quản lý như: Nuôi khép kín đối với từng trại hoặc từng dãy chuồng, kiểm soát dịch bệnh theo từng khu vực trong trại, sử dụng con giống an toàn dịch bệnh, nuôi cách ly gia cầm mới nhập trại, phòng bệnh bằng vắc xin, vệ sinh và tiêu độc khử trùng chuồng trại theo định kỳ, xử lý chất thải... Từ đó sẽ giúp ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh, bảo đảm cho đàn gia cầm được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh tấn công. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y còn đẩy mạnh tuyên truyền tiêm phòng vắ- xin cúm gia cầm. Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương, nhất là những vùng từng xảy ra dịch cúm gia cầm tổ chức theo dõi, giám sát chủng vi rút cúm gia cầm lưu hành tại địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng đúng loại vắc xin cần thiết để phát huy tối đa hiệu quả phòng dịch.

Cũng theo ông Lâm, hiện Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh còn tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời. Trạm Chăn nuôi và Thú y các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh để phát hiện sớm, cảnh báo và thực hiện các biện pháp ứng phó kịp thời khi phát hiện có dịch bệnh hoặc có mẫu giám sát cho kết quả dương tính với các chủng vi rút cúm gia cầm có nguy cơ gây bệnh ở gia cầm và ở người. Đặc biệt, người chăn nuôi phải nâng cao ý thức, thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch đã được cơ quan thú y hướng dẫn. Trường hợp phát hiện gia cầm bệnh, chết phải báo ngay với ngành chức năng địa phương xử lý.

Theo báo Phú Yên