Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, ông Lương Công Tuấn, cho biết nguyên nhân tôm hùm chết được xác định là do sốc nước lũ đổ về vùng nuôi.

Theo thống kê sơ bộ của Ủy ban Nhân dân thị xã Sông Cầu, có 327 hộ nuôi chủ yếu là tôm hùm, số còn lại là ốc hương, cá mú, ghẹ... bị thiệt hại. Riêng thôn Hòa Lợi, xã Xuân Cảnh tình trạng trên xảy ra từ ngày 3/11, khi nước lũ đổ về gây ngọt hóa vùng nuôi.

Hơn 448.000 con tôm hùm của 229 hộ ở xã Xuân Cảnh bị chết, ước thiệt hại hơn 31 tỷ đồng.

Tôm hùm chết rất nhiều nên những hộ nuôi buộc phải vớt tôm lên đem chôn lấp để tránh ô nhiễm môi trường.

Hiện tại, số lượng tôm chết đã giảm nhưng với tình trạng ô nhiễm và vùng nước nuôi chưa trở lại trạng thái ban đầu, vẫn có khả năng tình trạng này lây lan sang các vùng khác.

Chính quyền các địa phương đã vận động người nuôi ngoài việc di chuyển lồng nuôi đến nơi khác có nguồn nước tốt hơn, cần ưu tiên xử lý môi trường, chôn lấp hợp vệ sinh số tôm hùm cũng như các loài thủy sản khác bị chết.

Để tạo điều kiện cho người nuôi khôi phục sản xuất, ông Lương Công Tuấn cho biết trên cơ sở nắm chắc tổng thiệt hại, chính quyền sẽ kiến nghị về việc khoanh nợ, giãn nợ cho người nuôi, đồng thời đề nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ người nuôi theo quy định.

Thị xã Sông Cầu là địa phương có nghề nuôi tôm hùm lớn nhất tỉnh Phú Yên với 18.000 lồng nuôi hàng năm./.

Theo TTXVN/Vietnam+