Hiện, toàn tỉnh có 107.480 con bò, 38.035 con trâu, 330.549 con lợn và trên 3,5 triệu gia cầm. Mùa đông khi nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, tụ huyết trùng ở trâu, bò.

Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho các hộ chăn nuôi, các cơ quan chuyên môn của ngành NN&PTNT đã hướng dẫn bà con thực hiện các biện pháp chống rét, phòng bệnh truyền nhiễm cho đàn gia súc, gia cầm.

Tuyên Hóa và Minh Hóa là những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất của đợt rét đậm, rét hại, nhiệt độ ở đây chỉ ở mức từ 10 đến khoảng 15 độ C, thậm chí tại địa bàn huyện Minh Hóa có ngày xuống dưới 10 độ C. Ông Đinh Minh Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, hiện toàn huyện có hơn 12.200 con bò, 5.197 con trâu, trên 16.500 con lợn và khoảng 99.300 gia cầm.

Người dân che chắn chuồng trại, giữ ấm cho đàn trâu, bò

Để hạn chế thiệt hại khi nhiệt độ xuống thấp, huyện đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động người dân không thực hiện chăn thả gia súc, gia cầm trong những ngày gió rét dưới 15 độ C, cho ăn đủ khẩu phần và cân đối về dinh dưỡng nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc.

Xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa) là địa phương có núi đá vôi bao quanh, nhiệt độ thường thấp hơn những vùng khác trong tỉnh từ 3 đến 5 độ C. Trong khi đó, bà con chăn nuôi gia súc chủ yếu bằng hình thức chăn thả. Để phòng, chống rét cho đàn gia súc, người dân đã chủ động cắt thêm cỏ để cho trâu bò ăn. Anh Phan Văn Hùng, xã Tân Hóa cho biết: “Mấy hôm nay, trời rét đậm, nên tôi phải nhốt bò ở trong chuồng, đồng thời cho bò ăn thêm cỏ, bột ngô, muối để tăng sức đề kháng và che kính chuồng trại”.

Ông Trương Thanh Duẫn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, xã Tân Hóa đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Mục tiêu là không để xảy ra hiện tượng gia súc, gia cầm bị chết đói, chết rét, tránh thiệt hại cho người dân.

Với tinh thần chỉ đạo, theo dõi và bám sát cơ sở, trong những ngày qua, Phòng NNPTNT các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa... cũng đã có các công văn chỉ đạo kịp thời giúp bà con phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm và trên cây trồng.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng phòng NNPTNT huyện Tuyên Hóa, những ngày qua, nhiệt độ trung bình trên địa bàn huyện đạt khoảng 11-12 độ C, để giúp nông dân phòng chống rét cho đàn vật nuôi và cây trồng, Phòng NNPTNT đã có các công văn tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các địa phương chủ động phòng, chống rét trên cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Phòng NNPTNT huyện cũng cử cán bộ đích thân đến tận cơ sở kiểm tra tình hình, hướng dẫn bà con cách phòng, chống rét và tuyên truyền, vận động người dân chủ động nguồn thức ăn, tránh tình trạng chết đói cho đàn vật nuôi.

Việc chủ động, tích cực trong chỉ đạo của chính quyền địa phương, cộng với ý thức của người dân trong việc phòng, chống rét cho đàn vật nuôi sẽ hạn chế thấp nhất các thiệt hại do tác động của thời tiết gây ra, bảo đảm lợi ích kinh tế cho người dân.

Tuy vậy, đáng tiếc trong đợt rét đậm những ngày qua, khi nhiệt độ xuống thấp dưới 10 độ C, xã Trung Hóa, huyện Minh Hóa có hai con bê bị chết. Theo ông Đặng Ngọc Minh, Trưởng ban Thú y xã Trung Hóa, còn quá nhỏ, sức đề kháng yếu, trong khi nhiệt độ hạ xuống quá nhanh nên không kịp thích nghi.

Trao đổi về công tác chỉ đạo phòng, chống rét cho đàn gia súc, gia cầm, ông Trần Công Tám, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, ngay từ đầu mùa hè, Chi cục đã có công văn tham mưu cho Sở NNPTNT về công tác phòng, chống tác tác động của thiên tai, khí hậu khắc nghiệt đối với đàn vật nuôi, trong đó, có nội dung chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông.

Đến cuối tháng 11-2017, theo dự báo của Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, thời tiết trong vụ đông-xuân năm 2017-2018 có nhiều diễn biến phức tạp, có thể đi kèm nhiều đợt rét đậm, rét hại dài ngày làm ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất chăn nuôi.

Để chủ động phòng, chống đói, rét, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, Sở NNPTNT đã đề nghị các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các địa phương tập trung áp dụng các biện pháp để phòng, chống đói rét cho vật nuôi; cử các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, đặc biệt chú trọng khu vực vùng cao, biên giới, những nơi có nguy cơ vật nuôi bị ảnh hưởng nhiều do đói rét.

Các địa phương cần chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống đói rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí cho các hộ chăn nuôi nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho vật nuôi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các biện pháp kỹ thuật và kinh nghiệm về phòng chống đói, rét cho vật nuôi trên các phương tiện thông tin, đại chúng đến các cộng đồng dân cư, người chăn nuôi biết để áp dụng.

Các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật:

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp kỹ thuật; cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu ở địa phương; thông tin kịp thời và thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan và bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.

- Phổ biến và hướng dẫn người chăn nuôi củng cố, che chắn giữ ấm và bảo đảm vệ sinh chuồng nuôi. Tuyên truyền, vận động nông dân không cho trâu, bò làm việc, chăn thả tự do và nuôi nhốt trâu bò có kiểm soát khi thời tiết rét đậm, rét hại.

- Hướng dẫn nông dân chủ động, dự trữ thức ăn tinh, thức ăn thô khô (rơm, rạ, cỏ khô) và bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ. Cung cấp đầy đủ thức ăn tinh, thức ăn thô xanh, như: bột ngô, cám gạo, rơm rạ, cỏ khô, thức ăn ủ chua, rơm ủ u rê... Tăng cường dinh dưỡng trong khẩu phần thức ăn hàng ngày cho vật nuôi; bổ sung thêm tinh bột, thức ăn giàu đạm, muối, khoáng, vitamin thiết yếu cho vật nuôi trong những ngày giá rét. Vận động và yêu cầu mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò phải có chuồng và một cây rơm rạ bảo đảm bình quân 5-7kg/con/ngày trong những ngày giá rét.

- Dùng các loại chăn, áo cũ... hoặc các vật liệu khác để khoác giữ ấm cho đàn trâu, bò. Làm chuồng úm đối với lợn con đang theo mẹ, không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn trong những ngày mưa rét. Dự trữ các chất đốt, như: than, củi, trấu, mùn cưa..., để đốt, sưởi ấm cho vật nuôi trong những ngày rét đậm, rét hại.

Theo báo Quảng Bình