Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tính đến ngày 17/8/2017 đã có 8/9 huyện, thị xã, thành phố có diện tích lúa bị nhiễm bệnh LSĐ với tổng diện tích là 677,1 ha, trong đó tập trung nhiều ở hai huyện Gio Linh và Cam Lộ. Cây lúa bị bệnh LSĐ có biểu hiện thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường, xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá, gân lá ở mặt sau bị sưng lên.

Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có đốt, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định (rễ mọc ngược), các đốt ngắn lại và cứng. Trên bẹ và đốt thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị bệnh ở thời kỳ trước làm đòng thì không hình thành bông hoặc bông trổ không thoát, gây hại ở giai đoạn đòng trổ thì bông bị đen, hạt lép làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất. Bệnh LSĐ lây lan trên đồng ruộng là do rầy lưng trắng môi giới. Sự xuất hiện và tăng nhanh mật độ, diện tích bị hại do rầy là điều kiện thuận lợi cho bệnh LSĐ lây lan.

 Bên cạnh đó, người dân sử dụng thuốc BVTV chưa theo nguyên tắc “4 đúng”, chưa sử dụng đúng lượng nước thuốc/đơn vị diện tích giai đoạn đầu và giữa vụ nên hiệu quả phòng trừ thấp. Nhiều nơi chưa chú trọng đến việc phun thuốc trừ rầy môi giới ngay từ đầu vụ nên dẫn đến tình trạng bệnh phát sinh trên diện rộng. Ngoài ra, vụ hè thu 2017 có thời gian chuyển vụ quá ngắn, nhiều địa phương chưa tuân thủ cơ cấu giống, lịch thời vụ nên có nhiều trà lúa khác nhau, tạo điều kiện cho rầy phát sinh mạnh. Tuy bệnh LSĐ chỉ mới gây hại chiếm 3% tổng diện tích lúa nhưng bệnh đã có mặt trên tất cả các địa phương trong tỉnh, mỗi huyện đều có từ 3-4 xã có diện tích lúa bị nhiễm bệnh, riêng Gio Linh có 9/9 xã trồng lúa xuất hiện bệnh với tổng diện tích 342,6 ha.

Bên cạnh đó, rầy lưng trắng, môi giới truyền bệnh đã xuất hiện với mật độ cao trên hầu hết các cánh đồng là những điều kiện thuận lợi để phát sinh thành dịch trong vụ đông xuân 2018 và các năm tiếp theo nếu không có giải pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Để ngăn chặn và hạn chế thiệt hại do bệnh LSĐ gây ra ở vụ hè thu 2017 và các vụ tiếp theo, các đơn vị chức năng chỉ đạo nông dân cày vùi ngay sau khi thu hoạch lúa hè thu trên toàn bộ diện tích nhằm hạn chế nơi cư trú và cắt đứt nguồn thức ăn của rầy. Đối với những ruộng lúa đã bị bệnh trước khi cày vùi cần tiến hành phun thuốc trừ rầy môi giới và bón vôi để tiêu độc.

Khi lúa ở giai đoạn từ gieo cấy đến đứng cái xuất hiện bệnh, người dân cần nhổ, vùi những cây lúa bị bệnh, cấy dặm cây lúa khỏe. Phun thuốc trừ rầy bằng loại thuốc nội hấp trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh. Chăm sóc để cây lúa mau chóng phục hồi, bón cân đối N-P-K, lưu ý không bón thừa đạm; khi lúa chưa phục hồi ra lá mới, chỉ nên bón lân và kali. Đối với các vụ tiếp theo, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân vệ sinh đồng ruộng sớm trước khi vào vụ đông xuân bằng cách cày vùi gốc rạ ngay sau khi thu hoạch để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển, không dùng lúa tái sinh để tận thu thóc, đặc biệt là các vùng có dịch.

 Trong giai đoạn lúa từ phân hóa đòng trở đi, cần thường xuyên quan sát kỹ ruộng bị bệnh lùn sọc đen để phát hiện rầy lưng trắng, khi phát hiện có rầy lưng trắng tiến hành ngay phun thuốc trừ rầy ở ruộng đó và các ruộng xung quanh, sử dụng loại thuốc theo thời kỳ sinh trưởng của cây lúa. Giai đoạn lúa phân hóa đòng - trổ dùng thuốc trừ rầy nội hấp hoặc thuốc trừ rầy tiếp xúc, hoặc kết hợp. Ở những địa bàn vụ trước lúa bị bệnh sọc đen thì cần xử lý hạt giống bằng thuốc trước khi gieo để bảo vệ cây lúa giai đoạn mạ - đầu đẻ nhánh…

Các địa phương cũng cần tuân thủ lịch thời vụ, bố trí mùa vụ hợp lý theo hướng giảm tỷ lệ trà lúa đông xuân sớm, xuân trung, bố trí thời gian cách ly giữa vụ đông xuân và vụ hè thu tiếp theo trong khung thời vụ cho phép để cắt cầu nối truyền bệnh. Nông dân phải thường xuyên thăm đồng, điều tra kỹ, phát hiện sớm triệu chứng bệnh LSĐ trên ruộng lúa để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh lây lan nguồn bệnh. Ngoài ra, để việc phòng trừ bệnh LSĐ trên cây lúa hiệu quả cho các mùa vụ tiếp theo, dự báo sớm bệnh LSĐ trên đồng ruộng thì cần trang bị hệ thống bẫy đèn dùng năng lượng mặt trời để thu rầy di trú, trang bị dụng cụ phân tích nhanh vi rút LSĐ cho các Trạm BVTV các huyện, thị xã, thành phố để phân tích mẫu rầy và lúa ngay từ đầu vụ để triển khai các giải pháp bảo vệ cây lúa kịp thời.

 Chủ động phòng trừ bệnh bằng nhiều biện pháp như xây dựng và chuyển giao các mô hình sản xuất cánh đồng lớn ứng dụng KHCN, sản xuất theo quy trình hữu cơ, quy trình sạch để bảo vệ và cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng. Nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình quản lý bệnh LSĐ hại lúa… Bệnh LSĐ hại lúa là loại bệnh rất nguy hiểm cho cây lúa. Khi bệnh đã xuất hiện công tác phòng trừ sẽ rất khó khăn và tốn kém, mà hiệu quả không cao. Vì vậy, nông dân cần hiểu biết về các triệu chứng, tác hại của bệnh, áp dụng các biện pháp phòng, chống một cách triệt để theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế được thiệt hại do bệnh gây ra.

Nguyễn Văn Thanh