Dịch tả lợn châu Phi lần đầu tiên được phát hiện ở Châu Á vào năm 2017, trong một khu vực của Siberia ở Liên bang Nga. Sự xuất hiện của dịch này ở Trung Quốc là một mối nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi lợn và sinh kế của các hộ nuôi lợn quy mô nhỏ và những bên liên quan dọc theo chuỗi giá trị lợn. Trung Quốc sản xuất một nửa lượng thịt lợn của thế giới, với tổng đàn hiện tại khoảng 500 triệu con lợn. Chỉ trong hơn một tháng, vi rút này đã được phát hiện ở 18 trang trại và lò mổ tại 06 tỉnh của Trung Quốc, có những tỉnh cách nhau hơn một nghìn cây số.

Tại cuộc họp, ông Juan Lubroth - Giám đốc chương trình Thú y toàn cầu của FAO cho biết, khả năng lí giải cao nhất và lý do mà vi rút này có thể vượt những khoảng cách xa như vậy là thông qua các sản phẩm thịt lợn đã chế biến hoặc sản phẩm tươi và ít có khả năng lây lan do sự vận chuyển động vật sống. Vi rút này sống rất khỏe và có thể tồn tại trong nhiều tuần, hoặc vài tháng trong thịt lợn được bảo quản hoặc thịt muối hoặc trong thức ăn chăn nuôi. Thật không may, những gì chúng ta đang thấy cho đến nay chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi”. Sự lây lan mang ý nghĩa địa lý, nơi mà dịch tả lợn châu Phi đã được liên tục lặp lại trong một thời gian ngắn. Điều đó có nghĩa là sự lây nhiễm xuyên biên giới của vi rút rất có khả năng thông qua sự vận chuyển hoặc lưu hành các sản phẩm thịt lợn bị nhiễm bệnh, và gần như chắc chắn sẽ xảy ra. Do đó, nguy cơ không chỉ là “nếu” điều đó có thể xảy ra mà chỉ là vấn đề thời gian. Điều chúng ta cần làm là phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại.

Bà Wantanee Kalpravidh - Giám đốc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát khẩn cấp Bệnh động vật Xuyên biên giới (ECTAD) khu vực Châu Á của FAO nhấn mạnh, chính quyền Trung Quốc đã rất quan tâm tới dịch bệnh này, họ đã chủ động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kiểm soát sự lây lan và hành động đáp ứng dịch với tổ chức FAO và các nước láng giềng. Để ứng phó với mối nguy cơ lớn của ngành chăn nuôi lợn của châu Á thì sự cộng tác giữa các nước trong khu vực và xuyên quốc gia là rất quan trọng. Đây không phải là vấn đề mà các Bộ Nông nghiệp có thể tự mình xử lý đơn độc. Vi-rút này là mối đe dọa đối với sinh kế, nền kinh tế và cho toàn bộ ngành chăn nuôi và các chuỗi giá trị liên quan. Vì vậy, tất cả chúng ta cần quan tâm điều này và cam kết phối hợp giải quyết thách thức này, FAO sẽ tiếp tục giúp đỡ các quốc gia.

BBT

(Theo FAO)