Thời gian thực hiện từ ngày 22/2/2017 đến 21/3/2017.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí hố sát trùng tại khu vực đường mòn, lối mở biên giới trên địa bàn quản lý, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc.

Bên cạnh đó, những trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn thú y.

Tại các cửa khẩu biên giới, cơ quan kiểm dịch động vật phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ tại cửa khẩu tham mưu cho Ban quản lý cửa khẩu bố trí hố sát trùng và thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua cửa khẩu.

Chính quyền cấp xã tổ chức đội phun thuốc sát trùng cho khu vực chăn nuôi hộ gia đình, chợ buôn bán động vật sống ở nông thôn, nơi công cộng; đường làng, ngõ xóm, khu nhốt động vật, sản phẩm động vật, nhập lậu...; việc phun khử trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ, rửa sạch...

Theo thông báo của Tổ chức Thú y thế giới, trong tháng 1/2017 đã xảy ra nhiều ổ dịch cúm gia cầm động lực cao như cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6 tại Trung Quốc.

Như vậy, nguy cơ vi rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi rút cúm động lực cao khác (A/H5N2, A/H5N8) chưa có ở Việt Nam có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước là rất cao, thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Mặt khác, kết quả giám sát lưu hành vi rút cúm gia cầm tại các chợ gia cầm sống do Cục Thú y phối hợp với Tổ chức Nông nghiệp - Lương thực- Liên Hiệp Quốc thực hiện trong năm 2016 tại 32 tỉnh, thành phố cho thấy, tỷ lệ phát hiện vi rút cúm trên gà đối với A/H5N6 là 1,89% và A/H5N1 là 0,94%; trên vịt đối với A/H5N6 là 6,7% và A/H5N1 là 1,63%.

Tỷ lệ phát hiện vi rút cúm trong các mẫu môi trường đối với A/H5N6 là 2,9% và A/H5N1 là 2,07%. Đây chính là nguồn lây lan vi rút cúm thông qua các hoạt động mua bán, vận chuyển gia cầm.

Ngoài ra, vi rút cúm A/H5N6, A/H5N1 còn tồn lưu trong môi trường, đàn chim hoang, chim di trú cũng như việc nhập lậu gia cầm qua biên giới gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Do vậy, biện pháp ngăn chặn triệt để gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu và tiêu độc, khử trùng để chủ động tiêu diệt vi rút cúm gia cầm là những biện pháp được ngành nông nghiệp ưu tiên hiện nay.

Theo Khánh Vy (TTXVN)