Chú trọng khâu chọn giống

Hiện, Việt Nam đã và đang trồng 23 giống tốt chọn lọc, trong đó có 13 giống của Úc, 5 giống của Trung Quốc, 5 giống của Thái Lan. Dựa vào kết quả nghiên cứu và nhiều năm kinh nghiệm tại Úc, người ta cho rằng nên chọn nhiều giống tốt chứ không nên chỉ trồng 1 giống. Việc lựa chọn nhiều giống tốt xen với nhau (có tỷ lệ nhân cao, chất lượng nhân cao) được xem là yếu tố quan trọng nhất đóng góp vào việc sản xuất sản phẩm có chất lượng tốt và bền vững. Thực tế quá trình nghiên cứu cho thấy: Muốn tạo ra giống cây tốt, người ta phải mất từ 2-3 năm bởi phải lấy từ cây ghép chứ không phải cây thực sinh. Giá bán giống mắc ca trên thị trường Việt Nam là khoảng 80.000đồng/cây. Trong hơn 1 thập kỷ đưa về Việt Nam, cây mắc ca khẳng định hoàn toàn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Trong 23 giống có mặt ở Việt Nam, chỉ có khoảng 10 giống được Bộ NN&PTNT công nhận.

Từ góc độ nghiên cứu, một chuyên gia kiến nghị: “Để mắc ca mang lại giá trị cao nhất, việc cần làm ngay của các cơ quan nghiên cứu thuộc Bộ là không chỉ phát triển những giống nhập đã có mà còn cần lai tạo ra những giống mới, điều này cũng cần sự phối hợp của các doanh nghiệp”. Theo đó, người trồng không nên ham các loại giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc vì sẽ không đảm bảo được sản lượng thu hoạch cao. Vì đây là loại cây trồng dài hạn (thời gian cây bắt đầu ra trái khoảng 3-4 năm sau khi trồng, cây có ra trái ổn định kể từ năm thứ 5 trở đi, và thường đến năm thứ 12 mới đạt sản lượng cao nhất), cho nên bên cạnh việc chọn giống tốt, bà con nên tham khảo các trang trại, các điểm trồng thành công đã được phương tiện thông tin đại chúng nói đến trong thời gian qua. (Tránh để một số đơn vị, cá nhân trục lợi bằng cách cung cấp các giống không đảm bảo chất lượng như: giống cây tự sinh- phát triển từ hạt, giống cây ghép không đúng tiêu chuẩn kỹ thuật). 

Nhu cầu mắc ca lớn

Trong Kỷ yếu Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên tổ chức ngày 7/2/2015 tại TP Đà Lạt, TS Nguyễn Trí Ngọc, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ nông lâm nghiệp Thành Tây đã dẫn lời ông Kim Winson, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội mắc ca Úc, dù diện tích mắc ca toàn thế giới tăng gấp 4 lần nhưng giá bán hạt mắc ca trung bình khả năng vẫn không thay đổi. Từ đó, thấy rằng nhu cầu của sản phẩm mắc ca là rất lớn.

Hiện, rất khó để dự báo chính xác triển vọng nhu cầu thị trường trong vòng 10 – 20 năm tới, cũng khó để so sánh nhu cầu mắc ca trong quá khứ với hiện tại và tương lai. Phân tích và dự báo của nhiều nhà khoa học cho thấy: Động lực của nhu cầu mắc ca trên thế giới được quyết định bởi các nhân tố chính như sau: quy mô dân số tăng, thu nhập tăng, nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm ngày càng đa dạng, cộng thêm xu hướng tiêu dùng các loại quả, hạt, xu hướng ăn kiêng, ăn chay, xu hướng làm đẹp bằng các sản phẩm tự nhiên và xu hướng sử dụng sản phẩm chức năng đang ngày càng mạnh mẽ. Trong khi đó, hiện nay, mắc ca chỉ chiếm 1% thị trường của các loại quả hạt ngon nhất. Hãy thử ví dụ đơn giản tại thị trường Trung Quốc hiện nay, với dân số là 1,4 tỷ người, đã có thời điểm giá nhân mắc ca lên tới 2,8 triệu VND/kg nhân hạt. Còn ở thị trường Ấn Độ với 700 triệu người ăn kiêng và thị trường Trung Đông với thu nhập bình quân/đầu người rất cao thì lại hầu như chưa ai biết đến loại hạt này.

Ngay tại thị trường trong nước, do nguồn cung quá thấp nên một số công ty như IDT phải nhập hạt mắc ca từ Úc về chế biến lại để tung ra thị trường trong nước. Một số doanh nghiệp Trung Quốc còn nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu mắc ca tại thị trường Việt Nam thời gian gần đây nên đã bán sản phẩm mắc ca mà họ nhập về từ Nam Phi (qua cảng Hải Phòng) tại chợ trung tâm TP Đà Lạt.

 Theo báo Tiền Phong