Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 2,92 tỷ USD, giảm 15,1%; thuỷ sản ước đạt 1,27 tỷ USD, giảm 20,6%; các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2014. 

Trong quý I/2015, hầu hết kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu chính như cà phê, gạo, thủy sản, gỗ… đều sụt giảm đáng kể cả về sản lượng và giá trị. Chỉ có chè, hạt điều, tiêu là có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá xuất khẩu tăng trong khi khối lượng xuất khẩu những mặt hàng này cũng đều giảm. 

Cụ thể, khối lượng xuất khẩu chè tháng 3 ước đạt 9.000 tấn với giá trị đạt 12 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm ước đạt 24.000 tấn với giá trị đạt 38 triệu USD, giảm 2,2% về khối lượng nhưng tăng 2,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. 

Với hạt điều, khối lượng xuất khẩu tháng 3 ước đạt 16.000 tấn với giá trị 117 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2015 đạt 51.000 tấn với 370 triệu USD, giảm 1,3% về khối lượng nhưng tăng 14,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. 

Trong tháng 3, tiêu xuất khẩu ước đạt 15.000 tấn, với giá trị đạt 134 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu trong quý đầu năm nay lên 38.000 tấn với giá trị 342 triệu USD, giảm 23,1% về khối lượng nhưng tăng 3% về giá trị. 

Trong nhóm các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, cà phê là giảm mạnh nhất, giảm 41,4% về khối lượng và giảm 37,3% về giá trị so quý I/2014. Cụ thể, tháng 3 xuất khẩu cà phê ước đạt 125.000 tấn với giá trị đạt 258 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 3 tháng đầu năm 2015 ước đạt 350.000 tấn và 734 triệu USD. 

Tiếp đến là mặt hàng gạo, trong quý này, gạo xuất khẩu đã giảm 28,1% về khối lượng và giảm 32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 3 ước đạt 517.000 tấn với giá trị đạt 214 triệu USD đưa khối lượng xuất khẩu gạo trong quý I đạt 1,01 triệu tấn và 440 triệu USD, Trong 2 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc có xu hướng giảm mạnh nhập khẩu khẩu gạo Việt Nam (giảm 42,23% về khối lượng) nhưng vẫn là thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam lớn nhất, với gần 21% thị phần. 

Theo ông Võ Thành Đô, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản, với kết quả xuất khẩu gạo như vậy, so với dự tính giảm khoảng 300.000 tấn, thấp nhất trong nhiều năm gần đây. Tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đến 19/3, Việt Nam mới ký hợp đồng được 1,9 triệu tấn./. 

TTXVN