Thị trường thế giới: Trên thị trường châu Á, giá gạo Thái Lan giữ vững mức cao 2 năm do nguồn cung hạn chế, trong khi gạo Việt Nam giảm nhẹ trước khi thu hoạch lúa Hè Thu vào vụ rộ.

Thị trường cao su kỳ hạn Tocom (Nhật Bản) tiếp tục đà giảm giá trong tuần qua do chịu ảnh hưởng bởi giá dầu suy yếu và đồng yên tăng mạnh, cũng như lo ngại về nhu cầu yếu của thị trường Trung Quốc. Giá cà phê giảm do thị trường đã bớt bi quan về mức giảm của sản lượng cà phê do tác động của khô hạn. Giá đường giảm do vụ thu hoạch mía đường đang diễn ra rất thuận lợi tại Brazil.

Việc mua tích trữ trong bối cảnh dự báo về nguồn cung thiếu hụt và nhu cầu thịt lợn tăng đã đẩy giá lợn hơi thị trường Chicago tăng. Thị trường hạt tiêu thế giới tăng do nguồn cung thắt chặt ở tất cả các nước sản xuất lớn như Việt Nam và Ấn Độ. Giá chè tại Bangladesh tăng do nhu cầu tăng mạnh đối với chè chất lượng.

Thị trường trong nước: Giá lúa trong nước tuần qua giảm khá mạnh do nhu cầu tiêu thụ của các bạn hàng truyền thống như Phi-lip-pin và Trung Quốc suy yếu kéo theo giá gạo xuất khẩu giảm.

Một số doanh nghiệp Trung Quốc ngưng mua khiến giá thu mua lợn hơi trong nước giảm nhẹ. Giá thu mua hạt điều khô Bình Phước tuần này giảm do nhập khẩu điều thô tăng nhẹ, nguồn cung phục vụ chế biến đã bớt hạn hẹp.

Thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL vẫn khá trầm lắng do chưa có đơn hàng thu mua mới từ các nhà máy. Giá tôm nguyên liệu tại Cà Mau tuần qua ổn định ở mức cao do nguồn cung tôm ở Cà Mau hiện tại ở mức thấp, đặc biệt là tôm cỡ lớn.

Thông tin chi tiết, bạn đọc xem trong bản tin Thị trường Nông nghiệp tuần 21/2016

BBT (gt)