Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ban hành kết luận sơ bộ mức thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ trong lần rà soát hành chính lần thứ 10 (POR10) đối với các lô hàng tôm xuất khẩu từ ngày 1/2/2014 đến 31/1/2015.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá mà DOC áp cho tôm Việt Nam đối với ba bị đơn bắt buộc gồm Minh Phú, Thuận Phước và Fimex lần lượt là 2,86% và 4,78%. Mức thuế sơ bộ cho các bị đơn tự nguyện là 3,56%, cao gấp gần 4 lần so với thuế chính thức của POR9 (0,91%). Mức thuế áp chung toàn quốc là 25,76%.

Trao đổi với VnExpress, ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản và thương mại Thuận Phước cho hay, mức thuế này sẽ gây khó cho xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt, doanh nghiệp đang gặp khó khăn. "Hiện chúng tôi vẫn chưa biết nguyên nhân cụ thể về việc tăng thuế chống bán phá giá của DOC. Tuy nhiên, vào thứ Hai tuần sau các doanh nghiệp sẽ được giải thích căn kẽ từ luật sư", ông Lĩnh nói.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), đây mới chỉ là kết quả sơ bộ, kết quả chính thức sẽ được công bố sớm nhất là vào đầu tháng 7.

Mới đây, Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng đang rà soát lần thứ hai (5 năm một lần) đối với lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm của Việt Nam.

Đợt rà soát này sẽ xác định xem, nếu Mỹ huỷ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá sản phẩm tôm liệu có dẫn đến nguy cơ tái diễn, gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất sản phẩm tương tự của mình trong một khoảng thời gian hợp lý có thể thấy trước hay không.

Theo thông báo của ITC, các bên liên quan phải nộp bản trả lời cung cấp các thông tin cụ thể được chỉ ra trong thông báo này cho ITC để được đảm bảo xem xét trước ngày 31/3/2016. ITC sẽ đánh giá tính đầy đủ của các bản trả lời này để xác định việc tiến hành rà soát theo thủ tục đầy đủ hay rút gọn.

Theo vnexpress