Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), giai đoạn 1995-2005, nhờ việc áp dụng các giống mới (bắp lai), diện tích canh tác tăng nhanh nên sản lượng bắp cả nước tăng từ hơn 1 triệu tấn/năm lên hơn 4 triệu tấn/năm.

Nhưng vài năm gần đây mức tăng giảm dần, dưới 5%/năm, do tình trạng sâu bệnh và cỏ dại hoành hành, người nông dân không thể khống chế để có thể đạt năng suất tối đa. Bắp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn là mặt hàng nông sản Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất trong 10 năm qua. Năm 2017 nhập 7,7 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2018 đã nhập khẩu 4,9 triệu tấn, trị giá 989 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2017, tăng hơn 35% cả về sản lượng và giá trị.

Cũng theo Cục Trồng trọt, sau gần 4 năm được cấp phép, giống bắp công nghệ mới (biến đổi gen) có năng suất cao hơn so với các giống bắp lai nhờ khống chế tốt 3 loại sâu phổ biến (sâu khoang, sâu đục thân và sâu đục trái) cùng cỏ dại, giảm đáng kể chi phí đầu vào nhờ giảm sử dụng thuốc trừ sâu và công làm cỏ. Hơn 125.000 nông dân trồng giống bắp công nghệ mới đã cải thiện được năng suất và thu nhập 20% - 30%. Diện tích canh tác giống bắp công nghệ mới tăng từ 12.500 ha năm 2015 lên khoảng 28.100 ha năm 2017 (trong gần 1 triệu ha trồng bắp của cả nước).

Theo tổ chức CropLife Việt Nam, đến năm 2017, có 24 quốc gia cho phép trồng cây biến đổi gen với tổng diện tích canh tác là 189,8 triệu ha (tăng 3% so với năm 2016), lợi nhuận tăng thêm trên 102USD/ha (khoảng 2,3 triệu đồng). Ngoài ra, có 43 quốc gia sử dụng cây trồng biến đổi gen làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và thực phẩm.

Theo Báo Sài Gòn giải phóng