Xây dựng 21 chuỗi liên kết hàng nông sản

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp &PTNT, đến nay chương trình đã và đang xây dựng được 21 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội, thuộc 5 nhóm sản phẩm bao gồm thịt lợn, thịt gà, trứng gà, rau các loại, nấm.

Đánh giá về sự phối hợp phát triển chuỗi liên kết này ông Dương Thanh Tùng- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Bắc Giang cho hay, các chuỗi sản phẩm an toàn của Bắc Giang có sản lượng khá lớn như sản phẩm thịt lợn, thịt gà đóng gói sẵn từ 1- 2 nghìn tấn, rau 20 nghìn tấn… Và tùy theo nhu cầu thị trường từng khu vực, các chuỗi điều chỉnh nguồn hàng và kênh phân phối để phù hợp với từng thời điểm và thị hiếu. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn được tỉnh triển khai có hiệu quả như: Tổ chức tuần lễ vải thiều tại thành phố Hà Nội, mở rộng kênh tiêu thụ qua các siêu thị lớn, uy tín để cung cấp ra thị trường quả vải chất lượng cao; Phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn tổ chức ngày hội trái cây lần thứ 2 tại huyện Lục Ngạn; Xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi đối với sản phẩm thịt lợn an toàn cung cấp vào thành phố Hà Nội; Kết nối tạo điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng sản xuất tiêu thụ giữa các cơ sở trong tỉnh với các doanh nghiệp, siêu thị lớn, cụ thể như: Công ty cổ phần Giang Sơn với lượng tiêu thụ gà giết mổ khoảng 300 tấn/năm, gà lông khoảng 400-500 tấn/năm, cung ứng cho các siêu thị lớn như Công ty TNHH Sài Gòn CO.OP Hà Nội, Công ty TNHH Coop Mart Hoàng Mai, Công ty TNHH Siêu thị VHSC…;  Chi hội sản xuất và tiêu thụ rau cần Thanh Lâm - Hoàng Lương với sản lượng tiêu thụ khoảng 80 tấn/ngày cung cấp cho Công ty Thực phẩm sạch Việt Nam, Công ty Thực phẩm Gia Hưng…; Hợp tác xã chăn nuôi Trường Thành với sản lượng tiêu thụ khoảng 10 tạ/ngày cung cấp cho các chuỗi cửa hàng Sói Biển, GigGreen, Eco, HikiFarm….

Gà là một trong năm nhóm sản phẩm thực hiện xây dựng chuỗi liên kết sản xuất

Đặc biệt, để bảo đảm trong quản lý, an toàn thực phẩm theo chuỗi cung ứng sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội, Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Giang đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn thuộc Sở phối hợp cùng với Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội kiểm tra, truy xuất nguồn gốc xuất xứ thịt lợn không đảm bảo an toàn của Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam; xây dựng và thực hiện thanh kiểm tra, giám sát toàn diện đối với vật tư nông nghiệp nhất là kiểm tra thanh tra về kinh doanh, sử dụng chất cấm, kiểm dịch vận chuyển, giết mổ… Thực hiện kiểm soát, giám sát thường xuyên đối với các sản phẩm sản phẩm đã có liên kết với thị trường Hà Nội như gà đồi Yên Thế, rau cần Hoàng Lương, thịt và sản phẩm thịt lợn Trường Thành, mỳ chũ, gạo thơm Yên Dũng…

Tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, thì công tác phối hợp, phát triển chuỗi cung ứng rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội và hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp vẫn còn những hạn chế. Công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng, kiểm dịch sản phẩm chăn nuôi tại Hà Nội phải qua nhiều khâu, thủ tục rườm rà, chưa có sự thống nhất. Tại thị trường Hà Nội vẫn xảy ra tình trạng gian lận, vi phạm về nhãn hiệu các sản phẩm của Bắc Giang.

Vì vậy, trong năm 2018, đề nghị Sở Nông nghiệp &PTNT thành phố Hà Nội tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nông sản hàng hóa, địa chỉ sản xuất, kinh doanh tin cậy của Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân thủ đô được biết và lựa chọn. Giới thiệu các doanh nghiệp, nhà phân phối có đủ năng lực, tiềm lực để ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, địa chỉ uy tín tại Bắc Giang. Kiểm soát chặt chẽ các doanh nghiệp, nhà phân phối để tránh việc không minh bạch các sản phẩm giữa các nhà sản xuất này với các nhà sản xuất khác gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Thường xuyên tổ chức triển lãm, giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ tỉnh Bắc Giang tổ chức các điểm bán hàng, trưng bày giới thiệu các sản phẩm hàng hóa an toàn phục vụ người tiêu dùng Hà Nội.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang