Ông Nông Quý Cường- Phó trưởng phòng Kinh tế & hạ tầng huyện Bắc Hà cho biết: “Đến nay, huyện Bắc Hà có 5 sản phẩm đã được cấp chứng nhận nhãn hiệu và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, gồm: gạo đặc sản Khẩu Nậm Xít, chè shan, rau, mận, rượu Bản Phố”. Theo khảo sát, đánh giá, khi được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu, bước đầu các sản phẩm đã tìm được đầu ra ổn định và giá cả cao hơn so với trước, nhân dân cũng tin tưởng đầu tư chăm sóc, mở rộng sản xuất, liên kết tiêu thụ...

Thực hiện chương trình “Mỗi xã 1 sản phẩm” – (OCOP) theo Đề án của tỉnh, huyện Bắc Hà đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng tem nhãn tập thể cho một số sản phẩm đặc hữu của địa phương, trong đó có đến 11 nhãn hiệu dự kiến đăng ký bảo hộ trong các năm tới, đây chủ yếu là các sản phẩm nông sản có nhiều lợi thế phát triển như: Tương ớt, bánh chưng đen, lê, cốm, bánh phở, thắng cố…. Trước mắt, trong năm 2019, huyện đã trình Sở Khoa học và Công nghệ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ bảo hộ 2 nhãn hiệu: bánh chưng đen và đẳng sâm Bắc Hà. Đối với 2 nhãn hiệu: “Dược liệu Bắc Hà” và “Ngựa Bắc Hà” thuộc Dự án “Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2016-2020”, hiện, huyện đã ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhãn hiệu và hoàn thiện hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa. Với sản phẩm “Quế hữu cơ Nậm Đét”, hiện đang được Tổ chức Phát triển Hà Lan tài trợ kinh phí bảo hộ, mặc dù quá trình sản xuất đòi hỏi nhiều khắt khe trong chế biến, nhưng cơ hội mở ra đối với các sản phẩm ngành hàng quế hiện nay là rất lớn. 

Sản phẩm "Dược liệu Bắc Hà"  đang trong qua hoàn thiện hồ sơ trình Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu hàng hóa.

Ông Nông Quý Cường cũng cho biết thêm: “Các sản phẩm nông sản ở Bắc Hà hiện nay phát huy được hiệu quả nhãn hiệu tập thể chủ yếu là rau bản địa, chè shan và mận Bắc Hà. Từ khi được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể, tổng diện tích rau trồng hàng năm của huyện đã tăng đáng kể, hiện khoảng 235 ha, năng suất đạt 15 tấn/ha, sản lượng trung trên 3.500 tấn/năm, giá bán trung bình từ 10-15 nghìn đồng/kg. Còn giá bán chè Shan hiện nay trung bình từ 12- 15 nghìn đồng/kg chè tươi, hàng năm đã mang lại nguồn thu đáng kể cho nhân dân”. Đối với sản phẩm mận Bắc Hà đã được quảng bá, giới thiệu đến nhiều nơi trong nước, đã tạo dựng được niềm tin về chất lượng đối với người tiêu dùng.

Với nhãn hiệu “Rượu Bản Phố- Bắc Hà”, trong năm 2018, Công ty TNHH Thuật Thu đã chuyển nhượng quyền sở hữu nhãn hiệu sang cho Hội Nông dân huyện quản lý, khai thác. Hiện nay, Hợp tác xã Duy phong được sử dụng nhãn hiệu rượu Bản Phố - Bắc Hà và đang từng bước đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện và trong tỉnh.

Thời gian tới, để quản lý, phát triển hiệu quả các nhãn hiệu tập thể đã được chứng nhận, huyện Bắc Hà đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ, tập trung các nguồn lực đầu tư mở rộng liên kết sản xuất, tăng cường công tác quảng bá và khẳng định chất lượng “thương hiệu” của các sản phẩm đặc hữu địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân từ chính các nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ./.                     

                                                                                        Khuất Linh