Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công thương, Sở Y tế, Hội Nông dân tỉnh, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV), chuyên gia đào tạo  và đánh giá tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (ATTP), chuyên gia kiểm định hàng hoá và chứng nhận sản phẩm Việt Nam (VCCI), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện/thị xã, Công ty thu mua hồ tiêu Nedspice, khuyến nông viên và chủ nhiệm của 60 câu lạc bộ tham gia dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững”.

Hội thảo đã đưa ra một bức tranh tổng quan về thực trạng sản xuất hồ tiêu của Việt Nam. Theo đó Việt Nam đứng thứ 3 về diện tích trồng hồ tiêu, sau Ấn Độ và In-đô-nê-xi-a; đứng hàng đầu về năng suất, sản lượng và xuất khẩu, chiếm 60% thị phần hồ tiêu toàn cầu; hồ tiêu Việt Nam có mặt trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ song chất lượng, giá trị lại rất thấp do dư lượng thuốc BVTV, vệ sinh ATTP không đạt yêu cầu. Hội thảo đã chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và khó khăn đối với sản xuất hồ tiêu, xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng. Sản xuất hồ tiêu phải đảm bảo các yếu tố: bền vững về môi trường (Rainforest Alliance), thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GlobalGAP), công bằng thương mại (Fairtrade), sản phẩm hữu cơ (Organic).

Bà Nguyễn Phương Quỳnh – chuyên gia đào tạo và đánh giá tiêu chuẩn ATTP thẳng thắn chỉ ra các mối nguy của sản phẩm hồ tiêu trong quá trình sản xuất gồm mối nguy về sinh học, vật lý, hoá học, trong đó mối nguy hoá học (dư lượng thuốc BVTV, phân bón, chất kích thích tăng trưởng, kim loại nặng, độc tố nấm mốc …) là mối nguy khó kiểm soát nhất và nằm ở chính các hộ nông dân. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng rất lớn đến sức khẻo con người và môi trường sinh thái.

Do những năm 2012, giá hồ tiêu ở mức rất cao, trung bình 200.000 đồng/kg, chính vì vậy người nông dân đã phát triển nóng diện tích một cách ồ ạt, phá vỡ quy hoạch, không quan tâm đến điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu, điều kiện kỹ thuật canh tác… (riêng tỉnh Bình Phước đạt 17.000 ha so 7.000 ha quy hoạch); sử dụng phân hoá học, thuốc BVTV quá mức. Đến khi giá giảm thì bỏ bê, không chăm sóc dẫn đến năm 2017 hồ tiêu vừa mất mùa, mất giá (năng suất chỉ đạt 16 tạ/ha, những năm trước trung bình đạt 29 tạ/ha).

Để nâng cao vị thế, giá trị của hồ tiêu, tỉnh Bình phước đã kết hợp với Công ty Nedspice thực hiện dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” đến năm 2020. Hiện tại dự án đã thực hiện ở hầu hết các huyện, thị xã trong tỉnh với 60 câu lạc bộ, 1.542 hộ tham gia, với diện tích 2.000 ha.

Kết luận cuộc hội thảo, bà Lê Thị Ánh Tuyết- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT tỉnh Bình Phước khẳng định: Hồ tiêu là sản phẩm của Quốc tế, thị trường quốc tế, chất lượng do quốc tế công nhận. Như vậy nông dân trồng hồ tiêu phải là nông dân quốc tế, có kiến thức, trình độ, am hiểu thị trường, khách hàng quốc tế. Muốn tăng tỷ lệ, giá trị xuất khẩu hồ tiêu thì người nông dân phải thay đổi cách làm, không nên sản xuất những gì mình có mà phải làm ra sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, của người tiêu dùng. Bà con nông dân phải có ý thức cùng Công ty Nedspice tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, xây dựng thương hiệu và quyết định giá bán phù hợp.

Nguyễn Thị Hạnh

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thị xã Bình Long