Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM, 10 tháng đầu năm 2018, sản lượng cá cảnh của Tp.HCM đạt 154 triệu con, tăng 20,3% so cùng kỳ năm 2017; số lượng cá cảnh xuất khẩu đạt 16,899 triệu con, tăng 13,9%, kim ngạch xuất khẩu đạt 18,7 triệu USD, tăng 15% so cùng kỳ. Các loại cá cảnh sản xuất chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, bảy màu, hòa lan, hồng kim, bạch kim, trân châu, xiêm, ông tiên, ba đuôi, koi, la hán, neon… Trong đó, sản lượng cá cảnh xuất khẩu qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đạt gần 15,23 triệu con, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 17,3 triệu USD.

Hiện cá cảnh của Tp.HCM đã xuất khẩu đến 43 quốc gia, trong đó thị trường châu Âu chiếm 54%, còn lại là các thị trường châu Á, châu Mỹ, Nam Phi. Ngay tại châu Á, Singapore  là nước thường xuyên nhập cá cảnh Việt Nam về rồi xuất đi châu Âu, Châu Mỹ với nhãn mác Singapore  và giá trị cao hơn gấp nhiều lần. Theo một chủ cửa hàng cá cảnh ở đường Nguyễn Văn Nghi – quận Gò Vấp: “Cùng một con cá cảnh, tại Singapore bán từ 1- 2 USD, trong khi tại Việt Nam hay Indonesia giá chỉ bằng một phần năm”. Còn ông Tống Hữu Châu -  chủ trại cá cảnh Châu Tống, quận 12 cho biết: “Gần đây nhà nhập khẩu cá cảnh các nước ngày càng biết nhiều đến cá cảnh của Việt Nam và tiến hành giao dịch kinh doanh trực tiếp, thay vì qua khâu trung gian là các doanh nhân Singapore”.

Chính những con số trên đã giúp cá cảnh trở thành một trong những sản phẩm chủ lực và tiềm năng về nông nghiệp của thành phố. Cụ thể trong tháng 10/2018 vừa qua, UBND Tp.HCM đã ban hành danh sách nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc 3 lĩnh vực trồng trọt - chăn nuôi - thủy sản. Trong đó, cá cảnh là nhóm sản phẩm thủy sản được xem là tiềm năng của thành phố, dựa trên các tiêu chí quy định về khả năng mở rộng sản xuất giống, phát triển ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học và có khả năng mở rộng thị trường mới trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Theo dự báo của các chuyên gia, thị trường cá cảnh sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Minh chứng là hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp tại thành phố đều có nhu cầu liên kết sản xuất, kết nối mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Do đó, thành phố đã có nhiều chính sách phát triển cá cảnh, hỗ trợ kỹ thuật, vốn vay cho hộ gia đình và các công ty trong quá trình sản xuất. Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tp.HCM, từ nay đến cuối năm 2018, thành phố đặt mục tiêu sản xuất 40 - 45 triệu con cá cảnh, xuất khẩu 4,5 – 5 triệu con với giá trị kim ngạch 5 - 6 triệu USD. Tính chung cả năm 2018, sản xuất cá cảnh ước đạt 180 triệu con, xuất khẩu 20 - 21 triệu con với kim ngạch trên 22 triệu USD.

Ông Phạm Thiết Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) nhận định: “Cá cảnh là ngành nông nghiệp đô thị đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ nuôi, kinh doanh và xuất khẩu; là ngành có nhiều tiềm năng phát triển và là một trong những sản phẩm chính của nông nghiệp thành phố trong chiến lược phát triển kinh tế. Do đó, từ năm 2016 đến nay, ITPC đã phối hợp các Sở (cụ thể là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) các ban, ngành của thành phố tổ chức thường niên triển lãm cá cảnh. Qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm cá cảnh thành phố, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghệ nhân giới thiệu các giống cá đặc sắc, an toàn dịch bệnh, có giá trị kinh tế cao, đẩy mạnh tiêu thụ cá cảnh trong nước và xuất khẩu.”.

Theo TS Vũ Cẩm Lương- Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM: “Cá cảnh là đối tượng có giá trị kinh tế cao, không gây ô nhiễm môi trường, sử dụng diện tích đất nhỏ hẹp nên rất phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị, cần được chú trọng phát triển”.

Từ nhận định của các lãnh đạo, chuyên gia như trên, để tiếp tục phát triển và tạo điều kiện cho ngành cá cảnh thành phố trở thành ngành nông nghiệp tiềm năng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch, triển khai, nghiên cứu, đề xuất ban hành cơ chế chính sách  phát triển tốt các nhóm sản phẩm chủ lực, trong đó có cá cảnh. Nhất là chính sách về quy hoạch, hỗ trợ vốn, chuyển giao ứng dụng công nghệ cao và phát triển giống mới, đào tạo nhân lực trong việc sản xuất, kinh doanh cá cảnh.

M.Hiếu

Trung tâm Khuyến nông Tp.HCM