Ấn tượng từ những con số

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích nuôi cá tra cả năm có thể đạt gần 5.000ha, sản lượng ước đạt 1,20 triệu tấn (tăng 9% so với 2015). Ước tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 đạt 1,67 tỉ USD, tăng 6,6% so với năm 2015. Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu cá tra sang 140 thị trường trên thế giới, đạt kim ngạch 1,466 tỉ USD. Các thị trường xuất khẩu cá tra chủ yếu: Mỹ, EU, Trung Quốc – Hồng Công, ASEAN, Mexico, Brazil, Colombia và Ả - rập Xê-út…

Các địa phương vùng ĐBSCL có diện tích thả nuôi cá tra tăng so với cùng kỳ 2015, gồm: Đồng Tháp tăng 85ha, sản lượng tăng 23.970 tấn; Bến Tre diện tích tăng 22ha, sản lượng tăng 13.420 tấn; An Giang diện tích tăng 75ha, sản lượng tăng 11.168 tấn.

Năm 2016, toàn vùng ĐBSCL có 108 cơ sở cho sinh sản nhân tạo cá tra, 1.856 hộ ương dưỡng cá giống với diện tích khoảng 1.500ha, sản lượng cá bột sản xuất ước đạt khoảng 16,5 tỉ con. Sản xuất cá tra giống tập trung tại các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long...

Giá cá tra hiện nay khoảng 21.300 - 22.000 đồng/kg (tùy vào chất lượng và phương thức thanh toán), người nuôi cá đang có lãi. Giá cá tra nguyên liệu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tình hình xuất khẩu, sản lượng cá tra và các yếu tố khác.

Thu hoạch cá tra ở An Giang

Còn những khó khăn cần giải quyết

Tuy đạt được những kết quả tương đối khả quan nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra khu vực ĐBSCL chưa thực sự tăng trưởng bền vững ở nhiều góc độ; từ giống, chất lượng sản phẩm phi lê, sản phẩm chế biến giá trị gia tăng, liên kết hợp tác đến thị trường tiêu thụ. Các con số thống kê cho thấy tuy có tăng cả diện tích, sản lượng, giá trị xuất khẩu nhưng chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế của ngành hàng cá tra Việt Nam.

Giá cá tra nguyên liệu vẫn trồi sụt thất thường, tụ trung cả năm giảm từ 3.000 – 4.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2015. Mặt khác, công tác quy hoạch vùng cho cá tra năm qua dẫu có quyết liệt nhưng tình trạng mạnh ai nấy làm, tỉnh này ngóng tỉnh kia cũng dẫn đến tình trạng quy hoạch chưa đồng bộ. Những diện tích sản xuất chất lượng chứng nhận GAP cũng chỉ chiếm 60% tổng diện tích nuôi nên chất lượng cá tra vẫn thấp, giá trị xuất khẩu thấp, vướng rào cản kỹ thuật về chất lượng tại các thị trường khó tính.

Ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: "Diện tích nuôi cá tra hiện nay của doanh nghiệp là chính, chiếm tới 89% diện tích nuôi cá tra toàn tỉnh. Điều này cho thấy liên kết hình thành chuỗi giá trị cá tra giữa nông dân với doanh nghiệp chưa gắn bó, gây khó khăn phát triển ngành hàng cá tra".

Tuy các doanh nghiệp trong nước thời gian qua bước đầu đã quan tâm đến việc xây dựng chuỗi liên kết, tuy nhiên số lượng vẫn chưa nhiều và chưa tạo được thành những chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ cá nguyên liệu một số nơi chưa chặt chẽ, hợp đồng cung cấp và thu mua sản phẩm giữa doanh nghiệp với hộ nông dân nuôi cá tra được ký kết nhưng chưa hiệu quả. Ông Như Văn Cẩn, Vụ Trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT đánh giá: "Hiện nay toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 4.785 ao nuôi cá tra thương phẩm, trong đó có 2.267 ao thuộc sở hữu cá thể chiếm 47,38%, có 2.486 ao nuôi thuộc sở hữu của doanh nghiệp (chiếm 51,95%) tương đương khoảng 2.600ha và có 32 ao thuộc sở hữu của các hợp tác xã/tổ hợp tác".

Định hướng lại thị trường xuất khẩu

Năm 2017 đã đến với hàng loạt những triển vọng, chu kỳ phát triển đã được dự báo khả quan cũng là thời cơ chín muồi cho việc tái cơ cấu một cách toàn diện ngành cá tra Việt Nam. Dựa trên tình hình sản xuất thực tế và dự báo từ nhiều phía, một kế hoạch sản xuất tăng cả về diện tích, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu con cá tra Việt Nam vô cùng khả quan. Với nhu cầu rất lớn từ thị trường Trung Quốc khi những dấu hiệu tốt từ các nhà nhập khẩu cho thấy thị trường này năm tới sẽ có thể vượt Mỹ thành nước nhập khẩu cá tra lớn nhất từ Việt Nam. Hiện cả nước có 20 doanh nghiệp lớn chuyên chế biến cá tra xuất khẩu đang chiếm tỷ trọng khoảng 80% toàn ngành và tiêu thụ hơn 70% tổng sản lượng cá nguyên liệu thì việc kiểm soát và định hướng chiến lược phát triển ngành cá tra Việt Nam hoàn toàn trong tầm tay các ngành chức năng, địa phương.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng: Tình hình chung năm nay ngành cá tra dù có nhiều thông tin trái chiều khác nhau nhưng về cơ bản là ổn định, bởi vì khả năng đáp ứng cũng như mức độ chủ động về nguồn nguyên liệu của các doanh nghiệp có xu hướng tăng dần. Mặt khác DN cần phải tái cơ cấu lại vốn, tái cơ cấu để ổn định sản xuất. Theo ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Nam Việt: Muốn phát triển sản phẩm cần nhìn vào thị trường, doanh số xuất khẩu cá tra đang yên ổn nằm ở mức gần 1,7 tỉ USD/năm, hiện nay cá tra Việt Nam rất thuận lợi trên thế giới do chất lượng sản phẩm và giá bán. Để mở rộng thị trường lớn mạnh quan trọng chất lượng giống nuôi là yếu tố hàng đầu doanh nghiệp cần quan tâm tới".

Theo dự báo, năm 2017, thị trường cá tra sẽ tăng trưởng 10% đạt hơn 1,7 tỉ USD. Do đó, ngoài các thị trường truyền thống, thị trường lớn, các doanh nghiệp cần chú ý phát triển, trụ vững ở tất cả các thị trường hiện có; tập trung khai thác thị trường trong nước với 92 triệu dân - rất giàu tiềm năng. Các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các phương án để đưa sản phẩm cá tra vào hệ thống các siêu thị, kênh bán lẻ trực tuyến,... Làm được điều này các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra không còn phải lo đến vấn đề đầu ra cho con cá tra nữa.

Theo báo Cần Thơ