Tham dự buổi tọa đàm có hơn 200 người là cán bộ và nông dân đến từ các huyện EaSúp, Buôn Đôn, Tp. Buôn Ma Thuột, Krông Ana, MaĐrăk, EaKar, Krông Păk, CưMgar, Krông Năng, EaHleo, Krông Buk, Lăk, Krông Bông, CưKuin và các doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi đóng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh.

Đăk Lăk có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi theo chuỗi, có truy xuất nguồn gốc và áp dụng công nghệ cao. Tuy nhiên số lượng vật nuôi trên toàn tỉnh không nhiều, khoảng 1,1 triệu con gia súc, gần 10 triệu con gia cầm. Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trang trại chăn nuôi heo, gà an toàn sinh học, bò, thỏ, nhím… có thể hướng tới mô hình xuất khẩu theo chuỗi nếu có sự hợp tác, kết nối.

Chuỗi giá trị chăn nuôi đang đối mặt với khá nhiều vấn đề bất ổn từ khâu sản xuất đến thương mại. Do biến động thị trường và biến đổi khí hậu làm nguồn thức ăn tự nhiên ngày càng cạn kiệt nên chi phí đầu tư tăng cao, thêm vào đó thời tiết không thuận lợi làm giảm chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, chuỗi giá trị chăn nuôi lại gặp bất ổn bởi sự phát triển nóng trong thời gian qua. Sự phát triển nhanh chóng về mô hình chăn nuôi hộ gia đình và các doanh nghiệp, cùng với đầu tư cao về thức ăn tăng trọng làm ảnh hưởng đến chất lượng, cũng như tăng nguy cơ dịch bệnh, đang tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sản xuất và xuất khẩu mặt hàng này. Vì vậy để đảm bảo ngành chăn nuôi có tiềm năng phát triển kết nối xuất khẩu theo chuỗi, người chăn nuôi phải đa dạng hóa con vật nuôi; phát huy tiềm năng đồng cỏ, nhân rộng mô hình trồng cỏ; phát triển đàn bò, heo, gà hộ gia đình; đa dạng các hình thức chăn nuôi như: bò hướng thịt, bò sữa, bò giống, bò vỗ béo… để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Hùng Nhơn (Bình Phước) chia sẻ: “Với lợi thế khí hậu, điều kiện thổ nhưỡng thì Đắk Lắk là một trong những tỉnh có nhiều thuận lợi để phát triển ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi công nghệ cao. Để ngành chăn nuôi phát triển thành công thì các hộ gia đình sản xuất phải liên kết chẽ với nhau trong chuỗi, liên kết theo từng nhóm gia trại, trang trại... Các doanh nghiệp chăn nuôi phải đảm nhiệm vai trò tổ chức sản xuất, cung ứng tiến bộ khoa học kỹ thuật và thị trường tiêu thụ thì ngành chăn nuôi mới có thể tiến xa và hình thành nên những sản phẩm chăn nuôi có chất lượng thâm nhập các thị trường thế giới. Chính mô hình kết nối xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi nên Tập đoàn Hùng Nhơn đã thành công trong việc xuất khẩu thịt gà sạch sang thị trường khó tính Nhật Bản. Sắp tới doanh nghiệp sẽ nhân rộng mô hình và xuất khẩu trứng, thịt heo, bò…

Ông Hùng chia sẽ để thực hiện được mô hình xuất khẩu theo chuỗi các sản phẩm chăn nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt triệt để các tiêu chuẩn của GlobalGAP và công nghệ truy xuất nguồn gốc trong chăn nuôi. Từ đó sẽ giúp giải quyết được vấn đề thị trường đầu ra, vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thực phẩm sạch tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT Đắk Lắk cho biết, để xây dựng và phát nền nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao thì ngành chăn nuôi phải phát triển toàn diện, đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và quản lý. Việc áp dụng đúng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị sản phẩm hướng đến việc phát triển nông nghiệp bền vững. Chính vì vậy việc quy hoạch chăn nuôi tập trung, áp dụng sản xuất công nghệ cao theo hướng bền vững là rất cần thiết.

Phạm Thị Như Ý

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia