Ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có làng nghề đan lọp cua tồn tại từ nhiều năm nay. Nơi đây, có gần 100 hộ theo nghề đan lọp cua sản xuất quanh năm với hàng trăm lao động nhàn rỗi tham gia. Lọp cua làm ra được đưa đi tiêu thụ trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp. Ông Trương Thanh Hùng, ngụ ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, đã gắn bó với nghề làm lọp cua hơn 10 năm cho biết, trong mùa lũ, ông dự kiến cung ứng ra thị trường trên 1.000 cái lọp. Đây là việc làm quanh năm của gia đình ông. Tuy nhiên, vào mùa nước lũ, công việc làm lọp cua tại gia đình càng nhộn nhịp hơn, hiệu suất làm việc tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường.

 

Ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp có gần 100 hộ theo nghề đan lọp

Theo nhiều người dân sản xuất lọp, mặc dù nhu cầu sử dụng ngư cụ tăng nhưng giá lọp vẫn giữ mức bình ổn so với năm trước, dao động từ 12.000 - 15.000 đồng/cái (tùy sản phẩm). Bà Thái Thị Tám ngụ ấp Long Hội, xã Hòa Long chia sẻ: “Nghe thông tin trên báo, đài, nước về nhiều, tôi tranh thủ đi mua các nguyên liệu cần thiết để sản xuất lọp. Do nhu cầu từ các thương lái tăng nên gia đình tôi phải sản xuất luôn cả ban đêm. Đến nay, tôi đã bán được 2 đợt lọp cho thương lái với số lượng khoảng 6.000 cái. Vì làm công nhà, sau khi trừ hết chi phí, tôi còn lãi khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/1.000 cái”. Qua tìm hiểu, giá các mặt hàng lưới, ngư cụ đánh bắt năm nay không thay đổi nhiều so với năm trước. Tùy vào chất lượng lưới mà người tiêu dùng có thể chọn loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu đánh bắt. Cụ thể, giá mặt hàng lưới mùng khoảng 70.000 đồng/kg; lưới cao cấp 80.000 - 100.000 đồng/kg; lưới 1 màng 70.000 - 150.000 đồng/tay; lưới 3 màng 95.000 - 300.000 đồng/tay; lưới Thái 300.000 đồng/tay; lú 80.000 - 270.000 đồng/sản phẩm...

Đến thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, theo chân ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh đến làng nghề đan lọp cua đồng trứ danh của xã với khoảng 80 hộ tham gia sản xuất. Bà con ở đây thuộc diện gia đình có hoàn cảnh tương đối khó khăn. Nghề đan lọp cua đồng phát triển, góp phần giúp các hộ giảm bớt phần nào khó khăn, giúp trang trải kinh tế trong mùa nước nổi. “Chúng tôi đang kiến nghị với các ngành cấp trên hỗ trợ máy móc, thiết bị cho người dân sản xuất lọp cua đồng để giữ lửa làng nghề phục vụ mùa nước nổi”, ông Nguyễn Phi Long cho hay.

Ông Trương Thanh Hùng, bậc tiền bối gắn bó lâu đời ở làng nghề đan lọp cua đồng cho biết, dự kiến năm nay ông sẽ cung ứng ra thị trường hơn 1.200 cái lọp, mang đi tiêu thụ tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long và xuất sang nước bạn Campuchia với giá khoảng 30.000 đồng/cái. “Vài năm trở lại đây, nước lũ về thường thấp, nguồn lợi thủy sản không còn trù phú như ngày xưa nên ảnh hưởng rất nhiều đến làng nghề đan lọp cua. Tôi hy vọng năm nay lũ về đẹp hơn mọi năm để bà con làm ăn khấm khá hơn”, ông Hùng hy vọng.

Nguyễn Thị Bích Ngọc

TT Dịch vụ nông nghiệp & Nước sạch nông thôn Đồng Tháp