Nông dân các huyện đang thu hoạch diện tích trồng ớt, với năng suất bình quân đạt từ 20 - 25 tấn ớt trái thương phẩm/ha... Nhiều thương lái và chủ vựa ớt đến tận nơi thu mua với giá dao động từ 8.000 - 12.000 đồng/kg ớt trái tươi tùy loại. Ớt mới thu hoạch đợt đầu trái to, bóng, đẹp, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu có giá 12.000 đồng/kg (giảm so với tháng trước từ 5.000 - 7.000 đồng/kg). Đó là chưa kể diện tích ớt trong giai đoạn cho trái, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời thiết mưa, nắng thất thường nên phần lớn diện tích cây ớt bị nhiễm các loại nấm bệnh thán thư, bọ trĩ, thối cổ rễ, vàng đọt… làm cây ớt bị héo rũ và chết nhiều.

Đa số nông dân trồng ớt trong tỉnh Đồng Tháp cho biết, muốn trồng một hecta ớt phải đầu tư chí ít là 100.000 triệu đồng trở lên. Với giá bán ớt giảm như vậy và cây ớt bị nấm bệnh chết nhiều, nông dân trồng ớt bị lỗ vốn sâu nếu là người thuê đất; còn hòa vốn hoặc lỗ chút đỉnh là người canh tác đất nhà…

Những năm gần đây, cây ớt gắn bó với đời sống của người dân các huyện Thanh Bình, Tam Nông và một số huyện thị trong tỉnh Đồng Tháp. Đây cũng là một trong những cây trồng giúp bà con nông dân vượt khó, làm giàu. Tuy nhiên, đầu ra của trái ớt chưa ổn định, giá cả cũng còn lắm bấp bênh, năm thắng, năm thua, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố cung cầu của thị trường và ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu…

Để phát triển bền vững nghề trồng ớt, nông dân phải nắm vững và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và công nghệ từ khâu chọn giống, cách trồng đến khâu chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, cần sự gắn kết nhịp nhàng giữa “4 nhà” (nhà nông - nhà khoa học - nhà nước và nhà doanh nghiệp) trong việc phát triển cây ớt ở vùng đất này. Trước mắt, là phải thành lập Hội quán làm tiền đề tiến lên HTX sản xuất và tiêu thụ, chế biết ớt…

Trần Trọng Trung