Nông dân thực hiện mô hình được hướng dẫn áp dụng quy trình sản xuất lúa “1 phải 5 giảm”; Bón vùi trước khi xuống giống 100% phân DAP và 50% phân kali; Sử dụng giống lúa huyết rồng; Phòng trừ sâu, bệnh hại bằng phương pháp tổng hợp IPM; Xử lý thuốc bảo vệ thực vật khi sâu, bệnh đến ngưỡng phòng trị và phải áp dụng nguyên tắc 4 đúng. Nông dân thực hiện ghi ghép nhật ký.

Mô hình sạ mật độ thưa với lượng giống là 100 kg, giảm được 60 kg/ha so với ruộng đối chứng (160 kg/ha). Việc giảm giống đã góp phần giảm chi phí đầu tư vào sản xuất 600.000 đồng/ha.

Ruộng mô hình có tổng lượng phân bón là 400 kg/ha so với đối chứng là 470 kg/ha. Do ruộng mô hình áp dụng kỹ thuật bón vùi phân nên lượng phân thấp hơn đối chứng 70 kg/ha. Kỹ thuật bón vùi phân sâu vào đất trước khi sạ giúp sử dụng phân bón hiệu quả hơn, cây lúa có đủ dinh dưỡng cần thiết cho phát triển giai đoạn đầu, giúp đẻ nhánh sớm.

Ruộng mô hình bón phân cân đối kết hợp với bón vùi nên cây lúa sinh trưởng tốt ít nhiễm sâu bệnh hơn, do vậy ruộng mô hình giảm 1 lần thuốc trừ sâu, 2 lần phun thuốc bệnh so với ruộng đối chứng.

Hạch toán kinh tế cho thấy, ruộng mô hình có chi phí là 16.225.000 đồng/ha, thấp hơn so với ngoài mô hình (18.290.000 đồng/kg) là 2.065.000 đồng/kg. Ruộng mô hình sử dụng giống đặc sản lúa huyết rồng nên năng suất  đạt 5.000 kg/ha, thấp hơn ruộng đối chứng (5.500 kg/ha) là 500 kg/ha nhưng giá bán lại cao hơn ruộng đối chứng là 2.400 đồng/kg (7.000 đồng/kg lúa huyết rồng). Lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn so với đối chứng là 11.765.000 đồng/ha.

Sau khi thu hoạch, hạt lúa tiếp tục được sơ chế, đóng gói thành phẩm, gắn kết tiêu thụ với thị trường, góp phần tăng thêm chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo.

Nguyễn Thị Yến

Trung tâm DVNN và NSNT Đồng Tháp