Bà Phạm Thị Hoa (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, gia đình trồng 1,5 sào ớt xiêm lai. Mỗi tuần hái 2 đợt, thu trên 300 kg ớt tươi/đợt. Giá bán tại ruộng bình quân 25.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình lãi vài triệu đồng/đợt hái.

Hiện vườn ớt chín không kịp hái, bà Hoa phải thuê người hái. Cuối tháng rồi, ớt xiêm có giá 45.000 đồng/kg, mức cao nhất vài năm trở lại đây. Trường hợp giữ giá 25.000 – 30.000 đồng/kg, nông dân thu hoạch ruộng vào thời điểm này đều lãi, bà Hoa chia sẻ.

Phân loại, sơ chế, đóng gói ớt để mang đi tiêu thụ

Ông Võ Văn Lân (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải) cho biết, năm nay gia đình trồng hơn 1 sào ớt xiêm lai. Thời điểm chín rộ, trung bình 2 ngày hái ớt 1 lần với số lượng khoảng 300 kg; thưa hơn từ 4 - 5 ngày/lần hái được khoảng 200 kg. Giá bán tại ruộng 25.000 đồng/kg, có thời điểm được giá, thương lái gom hàng thường xuyên, không đủ ớt bán. 

Theo các hộ trồng ớt, những năm trước, giá ớt liên tục ở mức thấp, từ 7.000 – 10.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn khiến nhiều người chuyển sang trồng cây khác. Diện tích giảm, thời tiết diễn biến thất thường nên năng suất ớt đạt thấp; trong khi đó, nhu cầu thị trường mặt hàng này tăng, được giá. Hiện giá bán loại nông sản này từ 25.000 – 30.000 đồng/kg, mỗi sào ớt người trồng thu về hàng chục triệu đồng/vụ.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có khoảng 350 ha ớt, chủ yếu tại các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Thuận Nam và Ninh Sơn. Cây ớt thích hợp với đất thịt pha cát. Với điều kiện thời tiết khô hạn, cây ớt là một trong những cây trồng được nông dân lựa chọn để gieo trồng vì ít sử dụng nước tưới.

Tuy nhiên, để cây ớt phát triển bền vững đem lại nguồn thu ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế cao từ việc lựa chọn cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, tỉnh Ninh Thuận cần có quy hoạch phát triển cây ớt, xây dựng chuỗi giá trị liên kết sản xuất để tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như đã từng xảy ra./.

Theo TTXVN