Quá nhiều bất cập

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, hiện nay, Việt Nam mới XK được chính ngạch thịt lợn sang một số thị trường trong khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia với hai sản phẩm là thịt lợn sữa và thịt lợn choai đông lạnh. Tuy nhiên, cả nước mới có 6 cơ sở giết mổ XK sang Hongkong và 2 cơ sở giết mổ XK sang Malaysia với sản lượng không nhiều. Năm 2016, sản lượng thịt lợn XK đạt 11.000 tấn, trị giá 100 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm 2017, sản lượng XK đạt 10.600 tấn trị giá 46 triệu USD. Đối với gia cầm, hiện nay mới chỉ sản xuất và tiêu thụ trong nước, chưa có sản phẩm XK.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, các nước nhập khẩu thịt yêu cầu sản phẩm phải có nguồn gốc từ những tỉnh, cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE hoặc yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, đây lại đang là điểm yếu và bất cập của ngành chăn nuôi Việt Nam. Cụ thể, đối với chăn nuôi lợn, trên địa bàn cả nước chưa hình thành các vành đai an toàn dịch bệnh cũng như chuỗi sản xuất thịt lợn có kiểm soát theo hình thức khép kín. Mặc dù từ tháng 2/2015, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt đề án thí điểm xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lợn tại Thái Bình, Nam Định nhưng các địa phương không có kinh phí để triển khai. “Hiện nay Việt Nam chưa có vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh đối với lợn, gia cầm được OIE công nhận” – ông Đông cho hay.

Trên thực tế, nhiều nhà nhập khẩu thịt đã nhắm tới nguồn cung từ Việt Nam nhưng qua kiểm tra lại không đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu. Đơn cử như cuối năm 2014, Đoàn thanh tra của Cục Kiểm dịch động thực vật Liên Bang Nga (FSVPS) sang Việt Nam để đánh giá hệ thống kiểm soát an toàn dịch bệnh, ATTP đối với 8 cơ sở giết mổ lợn và các trang trại chăn nuôi chuyên cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở giết mổ tại các tỉnh, TP: Hà Nội, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả 8 cơ sở giết mổ đều không đạt yêu cầu vệ sinh thú y và ATTP.

Phải kiểm soát tốt dịch bệnh

Thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn do nguồn cung quá lớn so với nhu cầu dẫn tới dư thừa sản phẩm. Trong bối cảnh này, việc tìm đầu ra XK thịt được nhiều chuyên gia đặt vấn đề. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế sản xuất, giết mổ, chế biến hiện nay, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải hình thành được các vùng, cơ sở chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thắng Lợi, một DN chuyên XK lợn sữa sang Hongkong, Malaysia cho biết, bài học xương máu của DN là hoàn thiện hồ sơ XK sang Singapore nhưng cơ quan thú y nước này không xem xét hồ sơ vì Việt Nam còn dịch lở mồm long móng. “Mọi hoạt động xúc tiến thương mại đều là vô nghĩa nếu cơ quan thú y hai nước không thông thương, nghĩa là đảm bảo quy định về thú y của các nước” – ông Hoàng nhận định.

Đại diện Công ty TNHH Koyu & Unitek, DN đang xúc tiến XK thịt gia cầm sang Nhật Bản cũng cho hay, mấu chốt là sản phẩm phải đảm bảo không có tồn dư kháng sinh, chất cấm bởi thị trường Nhật Bản cực kỳ khó tính. Chính vì thế, Bộ NN&PTNT, Cục Thú y phải là cơ quan hướng dẫn DN về chuỗi sản xuất sản phẩm gia cầm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của thị trường nước ngoài. Cụ thể như xây dựng cơ sở hạ tầng, kiểm soát từ sản xuất đến chế biến, truy xuất nguồn gốc. Khi đó, DN sẽ rất thuận lợi trong việc hoàn thiện hồ sơ XK.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, mấu chốt của vấn đề là khâu kiểm dịch thú y. Để mở rộng được thị trường XK thịt, cần đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi và tập trung cho công nghiệp chế biến. Cùng với đó, xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh để tiến tới XK sản phẩm chăn nuôi sống. Thứ trưởng Vũ Văn Tám giao Cục Thú y thành lập các tổ công tác sát cánh cùng địa phương xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, giám sát hỗ trợ vùng nguyên liệu để kết nối với các DN XK.

Theo báo Kinh tế đô thị