​Tính đến thời điểm cuối tháng 3/2019, chỉ có riêng huyện Vị Xuyên là đã tiêu thụ hết sản lượng cam sành; riêng huyện Bắc Quang còn tồn khoảng 15.100 tấn và huyện Quang Bình còn tồn trên 2.000 tấn.

Bên cạnh tiêu thụ chậm, cam sành niên vụ 2018 – 2019 của Hà Giang còn bị giảm giá sâu. Theo đánh giá của các chủ vườn và các tiểu thương tại chợ trung tâm huyện Bắc Quang và chợ trung tâm thành phố Hà Giang thì giá cam sành năm nay bị giảm sâu, trung bình bị giảm từ 7.000 – 8.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Vào thời điểm cuối tháng 3/2019, giá cam sành loại 1 tại chợ trung tâm thành phố Hà Giang chỉ vào khoảng từ 12.000 – 13.000 đồng/kg; giá cam loại 2 chỉ từ 8.500 – 10.000 đồng/kg.

Theo đánh giá của ngành chức năng: Mặc dù tỉnh đã làm tốt công tác quảng bá và xúc tiến thương mại đối với sản phẩm cam sành như tổ chức Hội thi Sản phẩm cam sành vào đầu vụ thu hoạch; quảng bá sản phẩm cam sành Hà Giang tại các hội chợ trong, ngoài tỉnh và trên các phương tiện thông tin đại chúng; quản lý tốt tem, nhãn và chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam sành. Bên cạnh đó, các huyện trồng cam cũng chủ động tổ chức hội thi cam sành và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm cam sành của huyện mình… nhưng cam sành năm nay vẫn tiêu thụ chậm và bị giảm giá. Ngoài các nguyên nhân như cam sành Hà Giang được mùa với sản lượng lớn nhất từ trước đến nay thì cam Hòa Bình, cam Vinh, cam Hàm Yên (Tuyên Quang)…. cũng được mùa với sản lượng lớn. Bên cạnh đó, cam quýt của Trung Quốc cũng chiếm lĩnh một phần lớn thị trường tiêu thụ tại một số tỉnh, thành trong nước nên nguồn cung vượt quá nhu cầu tiêu dùng của người dân tại các tỉnh và các thành phố trong cả nước…

UBND tỉnh giao cho UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình chịu trách nhiệm tiêu thụ hết lượng cam sành tồn đọng cho người dân

Đứng trước thực trạng trên, ngày 29/3, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức họp bàn với 3 huyện trồng cam nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ lượng cam sành còn tồn đọng cho người dân. Các ngành chức năng của tỉnh Hà Giang như Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và PTNT… đã phối hợp với UBND của 2 huyện Bắc Quang và Quang Bình, nhằm tìm kiếm giải pháp tiêu thụ  sản lượng cam sành còn tồn đọng cho người dân. Lãnh đạo Sở Công thương cũng yêu cầu Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tiêu thụ cam sành tại các trung tâm thương mại của các thành phố lớn, chợ đầu mối và thị trường tiềm năng trong cả nước. Các Hợp tác xã cam Vĩnh Phúc và Hội Trồng cam của huyện Bắc Quang duy trì các điểm bán cam hiện có, đồng thời tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm cam sành.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Để tiêu thụ bền vững cam sành thì người trồng cam phải thay đổi tư duy từ sản xuất đơn thuần sang sản xuất cam theo chuỗi giá trị. Để giải quyết lượng cam sành niên vụ 2018 – 2019 còn tồn đọng, UBND tỉnh giao cho UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình chịu trách nhiệm tiêu thụ hết lượng cam sành tồn đọng cho người dân; chỉ đạo các xã tổng hợp số hộ và sản lượng cam sành còn tồn đọng theo hướng người dân tự nguyện cam kết nhờ chính quyền cùng tiêu thụ cam sành, trừ những hộ có khả năng tự tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, Sở Công thương và Sở Nông nghiệp & PTNT có trách nhiệm phối hợp với UBND huyện Bắc Quang và Quang Bình cùng tìm kiếm và mở rộng thị trường để giải quyết số cam sành còn tồn đọng cho người dân.                                                          

Phạm Văn Phú

                                        Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang