Lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá chất lượng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh đến với đông đảo người tiêu dùng, qua đó góp phần thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu. Hiện nay, công tác tổ chức lễ hội cam đang được các ngành, các cấp và các nhà vườn gấp rút chuẩn bị.

Trong những năm qua, Hà Tĩnh đã tập trung quyết liệt thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Theo đó các sản phẩm nông nghiệp hàng hoá chủ lực của tỉnh được khuyến khích phát triển mạnh mẽ. Một trong những ghi nhận lớn nhất là sản phẩm cam, bưởi; đến thời điểm hiện tại, 2 giống cây ăn quả có múi này đã đạt diện tích trên 8.000ha, trong đó diện tích cam trên 6.000ha, bưởi trên 2.000ha, sản lượng mỗi năm đạt trên 80 ngàn tấn, mang lại thu nhập lớn cho người dân.

Những vườn cam được TTKN Hà Tĩnh hướng dẫn trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ ra mắt tại Lễ hội Cam năm 2018

Dự kiến tại lễ hội năm nay có khoảng 60 gian hàng trưng bày cam và nông sản. Tham gia lễ hội năm nay sẽ có các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất kinh doanh cam và nông sản có giá trị cao trong toàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể các địa phương tham gia trưng bày bán các sản phẩm tiêu biểu; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị, phân bón hữu cơ, công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thuốc BVTV và thú y, thức ăn chăn nuôi, hoa cây cảnh; các nhà bán buôn, bán lẻ, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia để kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; một số đơn vị tỉnh bạn tham gia gian hàng nông đặc sản.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh cho biết: “Từ thành công của Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ nhất năm 2017, UBND tỉnh đã có kế hoạch tổ chức Lễ hội cam lần thứ hai. Đây là tín hiệu vui cho các hộ trồng cam, các doanh nghiệp liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh để có dịp kích cầu tiêu dùng cam và một số nông sản đặc sản của Hà Tĩnh, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương”.

Anh Nguyễn Văn Đồng, chủ cơ sở sản xuất cây giống và trồng cây ăn quả Đồng Thiêm, tại vùng Khe Mây, xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, đã từng tham gia Lễ hội cam năm 2017 và được người tiêu dùng đánh giá cao. Năm nay, vườn cam 3 ha của gia đình anh được chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn và khi cây đậu quả, anh tỉa bớt để quả to đều. Song song với phương pháp tỉa quả, anh Đồng còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn triển khai trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến tại Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ hai năm 2018, sản phẩm cam sạch thương hiệu Khe Mây của gia đình anh sẽ tiếp tục được giới thiệu tại hội chợ.

Hiện nay, tại các vùng trồng cam ngon nổi tiếng như: Khe Mây (huyện Hương Khê), Đức Bồng, Sơn Thọ, Đức Lĩnh (huyện Vũ Quang), Sơn Mai, Sơn Trường (huyện Hương Sơn), Thượng Lộc (huyện Can Lộc), Bắc Sơn (huyện Thạch Hà), các chủ vườn đang tập trung cao cho việc chăm sóc, tuyển chọn những cây cam “chủ lực” để có những quả đẹp nhất, ngon nhất đem đến lễ hội. Đối với các vườn cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ được Trung tâm Khuyến nông tỉnh trao chứng chỉ và dán nhãn mác tham gia lễ hội.

Không chỉ có sản phẩm cam mà nhiều loại nông đặc sản khác cũng sẽ được trưng bày tại lễ hội. Những ngày này, cơ sở chế biến thủy hải sản Phú Khương, thôn Xuân Phú, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh đang khẩn trương chuẩn bị các phần việc cần thiết để đưa sản phẩm nước mắm, mắm ruốc, mực khô, cá khô tham gia lễ hội. Cơ sở được thành lập từ đầu năm 2012, do bà Lê Thị Khương làm chủ. Cơ sở xác định lễ hội năm nay sẽ là điều kiện tốt để quảng bá thương hiệu sản phẩm nước mắm Phú Khương và các mặt hàng thủy hải sản chế biến ra thị trường, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều sự lựa chọn.  

HTX Chế biến thủy hải sản Phú Khương xác định lễ hội năm nay là cơ hội rất tốt để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng

Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh lần thứ hai năm 2018  là dịp để quảng bá, giới thiệu nhãn hiệu, thương hiệu cam của các vùng trên địa bàn Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, thông qua lễ hội nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự chuyển biến tích cực của các cấp, các ngành cũng như toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh; là cơ hội cho các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu cam, mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng. Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp và doanh nhân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị và tầm quan trọng của cam cũng như  các nông sản đặc sản khác tại Hà Tĩnh./.

 Nguyễn Hoàn

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh