Để bắt tay vào xây dựng một mô hình sản xuất, ngoài điều kiện về tự nhiên như đất, nước, khí hậu,… phải phù hợp thì vốn là một vấn đề khó tháo gỡ nhất của cả người dân và doanh nghiệp. Nhằm giải quyết vấn đề đó, doanh nghiệp và người dân đã cùng nhau thực hiện liên kết sản xuất theo hình thức vệ tinh. Trong đó, người dân có đất, bỏ công và đầu tư xây dựng công trình chuồng trại, trang thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất. Doanh nghiệp đầu tư giống, thức ăn, thuốc men và kỹ thuật sản xuất. Sự kết hợp đó đã giảm áp lực về đồng vốn và nỗi lo thiếu hụt kiến thức kỹ thuật của người nông dân. Doanh nghiệp cũng khắc phục được việc đầu tư dàn trải trong xây dựng trang trại và thuê nhân công, mặt bằng, vận hành bộ máy cũng ít cồng kềnh hơn.

Những năm qua, Công ty Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh đã xây dựng và nhân rộng mô hình liên kết chăn nuôi lợn tạo ra chuỗi phát triển liên kết từ cung cấp con giống, kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh đến bao tiêu sản phẩm theo hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn, bảo đảm đồng nhất về: công nghệ, kỹ thuật, giống, sản phẩm và tổ chức nuôi phân tán để người dân được tham gia.

Ông Võ Kim Duy, một vệ tinh của công ty tại thôn Thọ Lạc – xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên) cho biết gia đình ông có đất rộng nhưng vốn không nhiều nên nhiều năm cứ nuôi nhỏ lẻ. Được vay vốn theo chương trình xây dựng nông thôn mới nên ông bắt nhịp được với chương trình chăn nuôi lợn vệ tinh của công ty. Ông đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng chuồng trại, nuôi 1.000 con lợn/lứa. Sau gần 2 năm, ông đã thu hồi vốn và xây dựng cho mình một cơ ngơi mà chính ông cũng không nghĩ là mình sẽ có được.

HTX Trồng nấm, mua bán và Dịch vụ tuổi trẻ xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh do anh Nguyễn Văn Duẫn làm chủ nhiệm được thành lập từ năm 2012, phát triển đa dạng trên các lĩnh vực như: cung ứng bịch nấm giống, nấm thành phẩm, hỗ trợ kỹ thuật... Đến nay, HTX đã liên kết 11 hộ tham gia trồng nấm vệ tinh, công suất đạt gần 10.000 bịch/năm, tổng thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/năm. Năm 2018, xã Thạch Hạ đã có chính sách hỗ trợ và khuyến khích thêm 20 hộ khác tham gia vào mô hình này.

Anh Phạm Văn Đức, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh là cựu bí thư đoàn xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh, một tấm gương tiên phong trong mọi phong trào. Anh đã chọn cho mình mô hình nuôi thỏ vệ tinh của công ty CP thực phẩm Hà Nội.

“Tôi được công ty cung ứng giống, thức ăn tinh cho trang trại, sau đó thu mua thỏ với giá cam kết 75.000 – 80.000 đồng/kg. Mô hình của tôi nuôi theo hình thức cuốn chiếu, bình quân một năm xuất 7 lứa, mỗi lứa bán khoảng 100 con (1,7 – 2kg/con), ước tổng doanh thu đạt trên 100 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi trên 50 triệu đồng”-  anh Đức tiết lộ. Hiện nay, đa số các xã trên địa bàn Hà Tĩnh đều có mô hình nuôi thỏ vệ tinh.

 

Mô hình nuôi thỏ vệ tinh của anh Phạm Văn Đức, thành phố Hà Tĩnh

Ngoài những mô hình kể trên, còn rất nhiều mô hình liên kết theo kiểu vệ tinh trong trồng ớt, cây dược liệu, chanh leo, hay gấc, rau quả trên cát… cũng mang lại hiệu quả tương tự.

Được Đảng chỉ đường, doanh nghiệp đã cùng với người dân vẽ nên một bức tranh mới cho nền kinh tế nông nghiệp Hà Tĩnh, đưa nền nông nghiệp Hà Tĩnh bước ra khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát như trước đây để xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất quy mô lớn mang tính hàng hóa theo chuỗi, đem lại giá trị gia tăng cho người sản xuất và tăng giá trị sử dụng cho người tiêu dùng.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh