Theo đó, Trung tâm đã phối kết hợp cùng các địa phương, khảo sát, rà soát, lập danh sách các điểm, diện tích người nông dân không có điều kiện sản xuất, cho mượn đất hoặc cho thuê mức giá thấp; khảo sát phát triển hộ vệ tinh, các vùng chuyên canh sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng để giới thiệu tới các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư, phát triển sản xuất, định hướng thị trường nông sản trong và ngoài thành phố. Tổ chức 05 hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản và 01 hội nghị tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm về hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào nông nghiệp năm 2018.

Trung tâm cũng tập trung nâng cao năng lực cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, HTX kiểu mới, hộ sản xuất về tổ chức sản xuất, kỹ thuật sản xuất tiên tiến, công nghệ cao, định hướng thị trường tiêu thụ với các nội dung: Nâng cao năng lực cho cán bộ, công nhân lao động trực tiếp trong doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã, các hộ vệ tinh sản xuất sản phẩm cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; Tập huấn chuyên sâu, bồi dưỡng kiến thức về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cho nông, ngư dân tại các vùng sản xuất tập trung, nông dân tích tụ ruộng đất; Xây dựng 02 chuyên mục truyền hình, phóng sự, tin bài..., in ấn tờ rơi giới thiệu về cơ chế, chính sách, giới thiệu hộ vệ tinh, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của thành phố Hải Phòng.

Tính đến ngày 13/6/2018, Trung tâm Khuyến nông đã hoàn thiện Đề án “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên ngành, chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”. Đến nay Hải Phòng có 166 doanh nghiệp có vốn sản xuất, kinh doanh là 991,4 tỷ đồng (trung bình 5,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, doanh thu thuần trung bình 2,1 tỷ đồng/doanh nghiệp).

Từ năm 2013 đến tháng 3/2018 có 8 doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận đầu tư, diện tích 188,35 ha, vốn đầu tư 1.170,8 tỷ đồng; trong đó năm 2013: 01 doanh nghiệp, năm 2014: 01 doanh nghiệp, năm 2015: 01 doanh nghiệp, năm 2016: 03 doanh nghiệp, năm 2017: 02 doanh nghiệp.

Có 14 doanh nghiệp đang khảo sát xin chủ chương đầu tư, diện tích trên 1.815,4 ha, vốn đầu tư 8.312,5 tỷ đồng. Tính đến tháng 6 năm 2018, Hải Phòng có 4/14 doanh nghiệp có hoạt động tích cực, đã hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư như: Công ty TNHH Sơn Trường; Tập đoàn FLC; Bà Đỗ Thị Thu Hà ở Cầu Đất, Ngô Quyền, Hải Phòng; Dự án Khu nông nghiệp sinh thái, văn hóa thể thao du lịch và dịch vụ Vĩnh Bảo do Công ty cổ phẩn đầu tư Nông nghiệp là chủ đầu tư.

Có thể nói các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản tại Hải Phòng góp phần nâng cao nhận thức của các hộ sản xuất về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ an toàn; nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên đơn vị diện tích; hạn chế việc bỏ ruộng hoang của nhân dân. Trong quá trình sản xuất doanh nghiệp công nghệ cao là trung tâm, các hộ sản xuất trên địa bàn thành phố là vệ tinh gắn kết theo chuỗi giá trị; đặc biệt tận dụng nguồn lạo động tại địa phương. Hiện tại trung bình 1 ha sản xuất công nghệ cao của các doanh nghiệp cần 3,3 lao động. Với 188,35 ha đã được các doanh nghiệp đầu tư sản xuất sẽ sử dụng 621 lao động địa phương, mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Hương Giang

Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng