Thị trấn Cao Phong những ngày cuối tháng 10 bắt đầu vào chính vụ thu cam.Cam được bày bán dọc hai bên đường. Khách hàng tấp nập mua cam. Thương lái cũng đã đến đặt hàng các chủ vườn. Đến thăm vườn cam gia đình anh Nguyễn Đức Thủy ở khu vườn cam đội Thu Phong, một trong những gia đình có mức thu hàng tỷ đồng từ cam ở thị trấn Cao Phong. Vườn cam được đầu tư đúng quy trình kỹ thuật theo hướng sản xuất sạch, phát triển tốt, quả sai trĩu trịt, trái căng tròn mọng nước. Khách buôn đến tận nơi đặt hàng. Vườn cam của gia đình bước vào vụ chu kỳ thứ 2 cộng với diện tích trồng mới đưa vào kinh doanh, năng suất tiếp tục được nâng lên. Năm trước gia đình thu cỡ 100 tấn cam lòng vàng, 15 tấn V 2, 30 tấn cam thấp- lùn và 30 tấn cam canh, giá bán trung bình khoảng trên 20.000 đồng/kg. Quýt ôn Châu đã thu hoạch xong 1 tháng trước. Hiện bắt đầu vào chính vụ cam. Giá bán cam CF1 25.000 đồng, cam thấp lùn 27.000 - 28.000 đồng/kg… Năm nay sản lượng cam tương đương năm ngoái. Với giá bán như đầu vụ, dự tính hơn 6 ha cam kinh doanh gia đình có doanh thu cỡ 3-4 tỷ đồng.

Đối với gia đình Chị Thu, cả 10 ha cam đều đã cho thu hoạch. Được chăm sóc tốt nên sản lượng cam ổn định. Chị cho biết: Ngay đầu vụ, ông Năm là thương lái quen thuộc ở TP Hòa Bình đã đến vườn lấy chục tấn cam. Chị Thu đang sử dụng khoảng 5-7 lao động, đến giữa tháng 11, cam thu rộ, số lao động làm cho gia đình sẽ có hàng chục người. Năm ngoái, riêng cam Canh chị thu tới hàng trăm tấn, tiếp đến lòng vàng 70 tấn và V2 10 tấn, đem lại thu nhập nhiều tỷ đồng. Hiện giá bán cam lòng vàng 25.000 - 27.000 đồng/kg, sản lượng năm nay không thấp hơn năm ngoái sẽ đạt không dưới 5 tỷ đồng.

Đồng chí Trưởng phòng NN & PTNT Nguyễn Văn Hiến cho biết: Trông thấy người trồng cam thu nhập tiền tỷ, nhưng ít ai biết được để có những mùa cam ngọt như hiện nay, người trồng cam cũng một nắng hai sương. Người trồng cam phải có thực lực cũng như làm chủ KH-KT và bận như chăm con mọn, hết lo nước tưới, phân tro, sâu bệnh, tiền đầu tư, tổ chức sản xuất… Vùng đất Cao Phong không thuận lợi về nước tưới, chi phí đầu tư cho cam cũng tăng lên nhiều. Tính ra mức đầu tư cho cam khoảng 150-200 triệu đồng/ha. Vì thế nên người ta vẫn bảo người nghèo trồng mía, người giàu trồng cam là thế. Camnăm nay được mùa, được giá, mang lại của ăn, của để cho người Cao Phong. Huyện đang tận dụng và khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, lao động để phát triển vùng cam hàng hóa. Cao Phong hiện có hơn 900 ha cam bước vào thời kỳ kinh doanh, sản lượng đạt khoảng 23.000 tấn. Mỗi ha thu từ 20- 30 tấn, giá bình quân 20.000 - 25.000 đồng/kg, giá trị thu nhập cũng đạt 700 triệu đồng. Hàng năm, nguồn thu từ cam của huyện đạt khoảng 600 tỷ đồng- con số đáng mơ ước đối với sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Huyện Cao Phong đang định hướng cho nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, phát triển bền vững vùng cam hàng hóa, tổ chức liên kết hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng trồng cam.

Theo báo Hòa Bình