Toàn cảnh Hội nghị

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hưng Yên, trong những năm qua, hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức kết nối cung cầu hàng hóa, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại, nhà vườn và hộ nông dân trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2017, nhiều sự kiện tiêu biểu được tổ chức, tiêu biểu là lễ hội tôn vinh nhãn lồng lần thứ nhất 2017. Lễ hội trưng bày và giới thiệu sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên được lựa chọn từ 02 địa phương có diện tích trồng nhãn lớn nhất tỉnh là huyện Khoái Châu và thành phố Hưng Yên với 30 gian hàng. Tại lễ hội, Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố và trao quyết định cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm nhãn lồng Hưng Yên cho 04 khu vực: thành phố Hưng Yên, huyện Khoái Châu, huyện Kim Động, huyện Tiên Lữ, đồng thời Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên trao giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý nhãn lồng cho 9 HTX và hộ gia đình trồng nhãn. Ngoài ra, hội chợ cam Hưng Yên năm 2017 cũng đã kết nối được các HTX, nhà vườn trồng cam của tỉnh với một số siêu thị lớn như Fivimart, BigC, AEon,...

Bên cạnh sản phẩm nông nghiệp, với trên 50 làng nghề và hàng chục nghìn cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp nông thôn – tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của Hưng Yên cũng rất đa dạng, phong phú vừa có giá trị sử dụng, vừa mang giá trị thẩm mỹ cao, đáp ứng nhu cầu của nhiều nhóm đối tượng khách hàng, không ít sản phẩm đã đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu do Bộ Công Thương tổ chức bình chọn, trao tặng.

Tiếp nối thành công của các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa năm 2017, hội nghị lần này nằm trong chuỗi 5 hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh năm 2018 với mục đích tăng cường kết nối giao thương, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa lợi thế giữa tỉnh Hưng Yên và các tỉnh, thành phố; tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung cầu sản phẩm. Thiết lập chuỗi liên kết chặt chẽ, ổn định giữa vùng sản xuất của tỉnh Hưng Yên và thị trường tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố (đặc biệt là thành phố Hà Nội).

Một số giải pháp được Sở Công thương Hưng Yên đưa ra trong thời gian tới là: Phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh tổ chức mời gọi các doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị phân phối tại thị trường Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh,... đầu tư, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm thông qua các hội nghị, hội chợ, lễ hội; trong đó, tại thị trường tiềm năng như Hà Nội kết nối với các siêu thị lớn như Coopmart; BigC; Metro; Intimex,...; Tại thị trường các tỉnh phía Nam, kết nối các Chợ đầu mối nông sản Dầu Giây (Đồng Nai), Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre). Đồng thời phối hợp với các cục, vụ thuộc Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ và giới thiệu các cơ sở doanh nghiệp tham gia các chương trình, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại tại các tỉnh, thành phố trong nước.

Song song với việc tiêu thụ nội địa, Sở Công thương tỉnh kết nối với các đơn vị thuộc Bộ Công thương, các tỉnh khu vực biên giới để hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, tổ chức Đoàn doanh nghiệp của tỉnh tham gia Hội nghị kết nối xúc tiến xuất, nhập khẩu nông sản, trái cây và thủy sản năm 2018 tại Lào Cai do UBND tỉnh Lào Cai phối hợp với Công ty Thương vụ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tổ chức vào tháng 7/2018. Cùng với thị trường Trung Quốc, nhãn và các sản phẩm nông sản cũng sẽ được xúc tiến đưa sang các nước ASEAN và các thị trường đòi hỏi cao hơn về chất lượng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia...

Trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Nông nghiệp và PTNT và Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hưng Yên công bố và trao quy trình trồng và chăm sóc nhãn, vải, cam tỉnh Hưng Yên cho các Hợp tác xã, các chủ trang trại và nhà vườn trong tỉnh Hưng Yên.

Tỉnh Hưng Yên đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ bảo quản nhãn, vải, cam sau thu hoạch; cung cấp thông tin, các vấn đề về tiêu chuẩn, thủ tục kiểm soát và rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với quả nhãn tại các thị trường đã mở và thị trường; quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nhãn, chuối để xuất sang thị trường Trung Quốc.

Vải lai chín sớm Phù Cừ được trưng bày tại Hội nghị

Quảng Bình