Xoài Cam Lâm được trồng vào những năm đầu của thế kỷ XX, đến những năm 1960 đã hình thành nên vùng xoài tập trung trên địa bàn huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa với đại đa số là xoài Thủy Triều hay còn gọi là xoài Tây, xoài Canh Nông. Từ đó đến nay nhiều vườn xoài Canh Nông già cỗi đã được nông dân cải tạo bằng nhiều biện pháp như trồng mới, ghép cải tạo các giống như xoài Cát bồ, xoài cát Hòa Lộc và đặc biệt là giống xoài Úc (R2E2). Đồng thời cũng bắt đầu du nhập thêm một số giống xoài khác như: xoài thanh ca, xoài nu, xoài bồ, xoài cát Hòa Lộc,.. và một số giống xoài của Thái lan như: Nangdogmai, Khiêu sa vợi, Tứ Quý...

Cam Lâm có điều kiện đất đai, khí hậu phù hợp để cây xoài sinh trưởng phát triển tốt. Đến nay Cam Lâm đã có hơn 4.700 ha, sản lượng thu hoạch hơn 32.900 tấn/năm, với các giống chủ lực như xoài Canh nông chiếm 31% diện tích, xoài Úc  41,7% diện tích, Xoài Hòa Lộc và các giống còn lại chiếm 27,3% diện tích. Với sự đa dạng về giống, diện tích canh tác lớn là một trong những lợi thế về vùng sản xuất hàng hóa tập trung trên địa bàn huyện Cam Lâm nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung.

Bên cạnh đó, người trồng xoài trên địa bàn huyện cũng đã nắm bắt kịp thời các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây xoài tiên tiến và hiệu quả như cắt cành, tạo tán, ghép cải tạo, bón phân, tưới nước, phòng trừ sâu, bệnh hại và đặc biệt là kỹ thuật xử lý xoài ra hoa trái vụ. Từ đó năng suất và sản lượng xoài ngày một tăng lên và gần như xoài Cam Lâm có quanh năm. Đây là một bước tiến so với thập niên trước chỉ có một mùa duy nhất trong năm.

Với sự đa dạng về giống và sản lượng lớn nên thị trường tiêu thụ của xoài Cam Lâm khá lớn, hầu hết được cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Bắc. Từ năm 2012 trở lại đây, xoài Úc được thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Ngoài ra trên địa bàn huyện còn có đơn vị công ty TNHH MTV EMU là đơn vị chuyên xuất khẩu xoài Úc sang thị trường các nước Đông Nam Á, Hồng-Kông, Ca-na-đa, các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất… Đặc biệt vụ vừa qua đã được công ty EMU xuất sang Đức, đây là thị trường rất khó tính về chất lượng cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo thống kê, năng suất xoài trung bình toàn huyện đạt 7 tấn/ha, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg sau khi trừ chi phí bình quân nông dân có lãi 150 – 180 triệu đồng/ha. Tùy theo giống xoài và trình độ canh tác tốt có hộ đã thu vượt trội lên đến trên 300 -400 triệu đồng/ha.

Với xu thế hội nhập ngày càng cao của thị trường xuất khẩu nông sản, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu cho sản phẩm nông sản là việc làm hết sức quan trọng. Thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm nông sản phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng nhà nước. Nếu không quan tâm sẽ dẫn đến khả năng sản phẩm đặc sản của địa phương khó có chỗ đứng trên thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

 Nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cam Lâm” sẽ đem lại luồng gió mới cho những người trồng xoài nơi đây, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân trong việc khai thác bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông nghiệp địa phương bởi xoài Cam Lâm được đánh giá là có chất lượng cao, mẫu mã và màu sắc đẹp, mùi vị thơm ngon đặc trưng nổi tiếng trên cả nước. Đồng thời sẽ giúp xoài Cam Lâm tiêu thụ thuận lợi, quảng bá và mở rộng thị trường góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế.

Để góp phần gìn giữ và duy trì nhãn hiệu chứng nhận “Xoài Cam Lâm”, người nông dân trồng xoài, trên địa bàn huyện Cam Lâm đã và đang thực hiện nghiêm ngặt quy trình trồng xoài từ cách chăm sóc đến thu hoạch bảo quản sản phẩm. Cụ thể như: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng cường các loại phân bón vi sinh; quá trình sản xuất được ghi chép nhật ký chi tiết để theo dõi; sản phẩm được cấp nhãn hiệu chứng nhận phải được sự kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng... trong quá trình trồng, chăm sóc và tiêu thụ sản phẩm xoài hiệu quả. Đồng thời cũng luôn được sự quan tâm Chính quyền địa phương, ngành chức năng đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm duy trì, mở rộng, đầu tư vào việc quảng bá, giới thiệu nơi tiêu thụ sản phẩm để người trồng xoài có thể dễ dàng tiêu thụ sản phẩm./.

Nguyễn Thị Nhặn