Trong những năm gần đây, bên cạnh sự định hướng, hỗ trợ đầu tư của nhà nước, nhiều nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Đạ Nhim, Đạ Sar và Đưng K’Nớ (huyện Lạc Dương) đã chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém năng suất sang trồng atisô và sâm đương quy, mang lại hiệu quả nhất định.

Lâu nay, gia đình ông Phạm Phước Thê ở thôn Đạ Đum, xã Đạ Sar vẫn quen với việc trồng các loại rau màu như cải thảo, bắp cải, súp lơ… Được sự hỗ trợ và đầu tư từ nguồn vốn Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng và Hội Nông dân tại địa phương, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 sào đất sản xuất sang trồng thử nghiệm cây atisô từ đầu năm 2018. Ban đầu, ông có nhiều lo lắng nhưng do mua được nguồn giống chất lượng và được sự hướng dẫn về kỹ thuật canh tác từ chính đơn vị bao tiêu sản phẩm, cộng với sự nỗ lực học hỏi của bản thân, đến nay, ông đã sở hữu một vườn atisô tươi tốt.

Nhanh tay thu hoạch lứa lá atisô thứ 3, ông Thê phấn khởi cho biết, giá thu mua lá atisô hiện là 2.500 đồng/kg, với năng suất thu được của lứa 3 này khoảng 5 tạ lá. “Trước mắt, atisô khá hợp với thổ nhưỡng, khí hậu Đạ Sar và quy trình chăm sóc, thu hoạch atisô cũng khá đơn giản so với các cây trồng khác nên tôi dự tính sẽ gắn bó lâu dài với cây trồng này”, ông Thê nói.

Do atisô có thời gian sinh trưởng dài nên đất trồng phải được bón nhiều phân và cân đối đầy đủ thì cây mới cho bông to và nhiều bông (hoa). Bên cạnh đó, phải thường xuyên thu dọn những lá già, lá bị bệnh mang tiêu hủy xa vùng canh tác, tránh gây vết thương cho cây và không cho nấm có điều kiện xâm nhiễm và gây hại. Đồng thời, chọn vùng đất cao ráo, tạo độ thông thoáng, thoát nước tốt trong vườn, có như vậy năng suất atisô mới đạt cao. Đặc biệt, sau khi thu hoạch, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng - Ladophar thu mua toàn bộ sản phẩm của ông nên giúp đầu ra ổn định hơn.

Ở thôn Lán Tranh, xã Đưng K’Nớ, từ nhiều tháng nay, người dân trong vùng đã quen với mùi thơm nồng nàn, đặc trưng của cây dược liệu. Trên sườn đồi, thay vì những gốc cà phê như các hộ xung quanh, ông K’Long Ha Hai đang chăm sóc một loại cây khá đặc biệt, đó là cây sâm đương quy. Đây không phải là loại cây quá mới với nông dân huyện Lạc Dương, bởi ở các xã Đạ Chais, Đạ Nhim cũng đã có một số hộ trồng loại cây này. Nhưng với thôn Lán Tranh và cả xã Đưng K’Nớ, gia đình ông Ha Hai là hộ đầu tiên trồng loại cây này và kết quả ban đầu khá khả quan. Ông Ha Hai cho biết: “Cây sâm đương quy hợp với xã Đưng K’Nớ nhờ lợi thế về độ cao, thổ nhưỡng, khí hậu. Sau khi trồng khoảng 12 tháng thì sâm đương quy bắt đầu cho thu hoạch; mỗi cây cho củ nặng từ 6 - 8 gram/củ, tương đương 3 - 4 tấn/sào. Với giá bán theo thị trường hiện nay dao động từ 27 - 40 ngàn đồng/kg, sẽ cho thu gần 100 triệu đồng/sào".

Theo số liệu thống kê của ngành nông nghiệp, hiện trên địa bàn huyện Lạc Dương có 17,2 ha cây dược liệu, trong đó có 14,5 ha cây atisô và 5,2 ha nhân sâm các loại, năng suất đạt 327 tạ/ha và sản lượng đạt 598 tấn/ha. Khi các loại cây dược liệu trong rừng ngày càng bị khai thác cạn kiệt thì việc phát triển vùng dược liệu là rất cần thiết, nhất là đối với hộ đồng bào người dân tộc thiểu số không có điều kiện để xây dựng nhà lưới, nhà kính thì giải pháp phát triển cây dược liệu đem lại thu nhập cao ổn định là hướng đi tốt.

Toàn huyện Lạc Dương có 14,5 ha cây atisô 

Riêng đối với cây atisô, hiện UBND huyện Lạc Dương đã tổ chức ký cam kết bản ghi nhớ hợp tác liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm atisô với Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng. Tại xã Đạ Sar, Hội Phụ nữ tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ huyện thành lập Tổ hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cây atisô trên địa bàn với sự tham gia của 10 hội viên. Hiện cây atisô đang cho thu nhập tốt và Hội cũng đã nhân rộng thêm 3 hộ, thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục nhân rộng thêm từ 20 đến 30 hộ.

Trong định hướng phát triển sản xuất năm 2019, huyện Lạc Dương vẫn xác định mở rộng sản xuất và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch, liên kết sản xuất hình thành chuỗi giá trị chất lượng cao. Để phát triển cây dược liệu, huyện khuyến khích các Công ty liên kết với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thành lập Tổ hợp tác, tạo việc làm cho các hộ khi tham gia trồng cây dược liệu. Qua đó, huyện Lạc Dương phấn đấu đến năm 2025 trở thành vùng nguyên liệu cây dược liệu của tỉnh Lâm Đồng. Đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mới giúp nông dân trên địa bàn huyện có cơ hội vươn lên làm giàu.

Phạm Phương

Huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng