Về Hà Ân trong một chiều nắng nóng, sau những giờ làm đồng mệt nhọc, người dân thôn Hà Ân lại ngồi vào làm chổi đót. Hà Ân là một làng quê nghèo, người dân hầu hết làm ruộng, cuộc sống khó khăn, vào thời điểm nông nhàn nhất là độ tháng giêng, tháng hai âm lịch họ đã cùng nhau vào núi Hồng Lĩnh, Thạch Hương, Thạch Điền bứt đót phơi khô bó thành từng bó đưa về kết thành những cây chổi đề bán kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Khi diện tích rừng có cây đót khan hiếm mà sản phẩm lại sản xuất nhiều, người dân phải khai thác và thu mua nguyên liệu tại các tỉnh như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, … Hiện nay, nguyên liệu chủ yếu được nhập từ nước bạn Lào.

Tại thôn Hà Ân, từ già đến trẻ ai ai cũng biết làm chổi đót

Gặp gỡ và trò chuyện cùng vợ chồng thôn trưởng Phan Ngọc Luân, tôi được biết: “Hà Ân có trên 200 hộ, thì có trên 90% hộ làm chổi đót. Mỗi năm hộ ít cũng làm hết trên 1 tấn đót, hộ nhiều thì năm, sáu tấn, cả thôn đến hàng nghìn tấn đót. Cứ cuối tháng chạp, đầu tháng giêng, là khoảng thời gian nguyên liệu đót tốt nhất nên người dân lại đưa nhau sang Lào khai thác và thu mua. Cây đót đẹp là không quá già, chưa trổ hoa và cũng không quá non, khi về cất trữ, đót được để nơi khô thoáng, tránh bị ẩm sẽ làm mục đót. Đót được cất trữ và sản xuất quanh năm”.

Nghề chổi đót không chỉ là cái cần câu cơm mà nó đã trở thành một nét đẹp văn hóa riêng, ăn sâu vào máu thịt và tiềm thức của người dân thôn Hà Ân. Từ người già đến trẻ nhỏ, không kể gái hay trai, ai ai cùng biết làm chổi đót. Nghề làm chổi đót chủ yếu sản xuất thủ công theo hộ gia đình, không đòi hỏi trình độ cao, tuy nhiên cũng cần sự cần cù, khéo léo mới cho ra đời những cây chổi vừa bền, vừa đẹp. Với những bàn tay thoăn thoắt bó từng bó đót, vót từng sợi mây đến nức đót thành chổi, mỗi ngày một người có thể làm được 15-25 cái chổi. Mỗi cái bán với giá 20.000 - 50.000 đồng cũng cho thêm nguồn thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người. Mặc dù, nghề làm chổi đót là nghề phụ nhưng lại cho thu nhập ổn định. So với các thôn còn lại của xã Thạch Mỹ thì thôn Hà Ân có nguồn thu nhập khá, mức sống cao hơn và nhà cửa cũng khang trang nhất xã.

Với truyền thống lâu đời nên chổi đót Hà Ân được cả nước biết đến và hiện nay, Hà Ân còn là nơi cung cấp nguyên liệu đót cho một số làng nghề làm chổi trong cả nước. Toàn thôn có 6 hộ đi buôn nguyên liệu đót và cũng là những hộ làm chổi lớn của thôn. Mỗi tấn đót mang về bán lại cũng đã cho lợi nhuận 5 – 7 triệu đồng. Giá đót thường dao động từ 25-33 triệu đồng/tấn. Mỗi năm, cả thôn Hà Ân tiêu thụ hàng nghìn tấn đót và gần 1 vạn cái chổi, gồm các loại chổi như chổi quét nhà, chổi quét bàn thờ, chổi chà tường, đót sơ chế của làng nghề.

Những năm gần đây, với nhiều chính sách của tỉnh, huyện về khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và phát triển những làng nghề phục vụ chủ trương phát triển du lịch tỉnh nhà, làng chổi Hà Ân lại được quan tâm hơn từ việc mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề, ban hành Quyết định số 3136/QĐ-UBND công nhận làng nghề truyền thống Chổi đót Hà Ân để khẳng định và quảng bá thương hiệu đồng thời góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống mang bản sắc địa phương. Đây là lợi thế để trong thời gian tới, nhân dân Hà Ân tiếp tục khắc phục những khó khăn về máy móc công nghệ, thị trường đưa nghề chổi đót đi lên một nấc thang mới, đáp ứng được với yêu cầu của nên kinh tế thị trường, đồng thời giữ vững và nâng tầm thương hiệu chổi đót của làng nghề truyền thống đáng tự hào trong hàng trăm năm qua.

Kim Thịnh

Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh