Năm 2018, diện tích trồng vải quả toàn tỉnh là 10.500ha, sản lượng dự kiến 55.000 - 60.000 tấn (trong đó: vải sớm 2.500 ha, sản lượng dự kiến 20.000 tấn; vải thiều 8.000ha, sản lượng dự kiến 35.000 – 40.000 tấn). Vải được chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGAP: 300ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn (trong đó: Thanh Hà 250ha, Chí Linh 50ha). Diện tích nông dân được tập huấn, hướng dẫn và sản xuất theo quy trình VietGAP là 8.000ha, sản lượng dự kiến 35.000 tấn. Vải được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất đi Mỹ, Úc, EU là 13 vùng, diện tích 131,68 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu dự kiến 1.000 tấn (Thanh Hà 9 vùng 92,68 ha gồm 20,24 ha vải sớm, 72,44 ha vải thiều; Chí Linh 4 vùng, 39 ha vải thiều). Qua khảo sát ban đầu lượng đường và các loại vitamin trong quả vải thiều năm nay cao hơn, mẫu mã đẹp hơn (sắc vỏ đỏ tươi, gai vỏ giãn đều làm cho bề mặt quả phẳng, cùi dày có màu trắng trong, giòn, vị ngọt thanh và mát, không chua, không chát , có mùi thơm nhẹ).

Truy xuất nguồn gốc vải thiều Thanh Hà bằng điện thoại thông minh

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, vải thiều Thanh Hà đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, kể cả những quốc gia khó tính. Nông dân trồng vải đã được tập huấn, hướng dẫn và sản xuất theo quy trình VietGAP, Globalgap, cùng với các kinh nghiệm trồng, chăm sóc và bảo quản sau thu hoạch đã cho ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Điều quan trọng là chúng ta, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, phải đổi mới công tác tiếp thị để sao cho sản phẩm này lan tỏa tốt hơn, đem lại giá trị cao hơn cho người dân trồng quả vải, từ đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Trần Cảnh

Trung tâm Khuyến nông Hải Dương